Bạc Liêu ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản

Bạc Liêu ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, hiện tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững ngành thủy sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Bạc Liêu ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản ảnh 1Mô hình sản xuất tôm – lúa ở xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Cụ thể đến năm 2030, Bạc Liêu phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 700.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm 350.000 tấn, cá và thủy sản khác 350.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 150.410 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 6.000 ha, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 28.000 ha. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh ước đạt 2 tỷ USD; trong đó thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD. Khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh xuất khẩu có thương hiệu, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.

Để đạt được mục tiêu trên, Bạc Liêu tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ trong phát triển thủy sản. Theo đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả; tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản.

Cùng đó, tỉnh đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng rộng rãi sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cấp mã số vùng nuôi, gắn với việc truy xuất nguồn gốc, điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP); tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh cũng phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người khai thác, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn.

Bạc Liêu giảm số lượng tàu cá và sản lượng khai thác thủy sản để phục hồi nguồn lợi thủy sản; tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức hiệu quả thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai kịp thời cho ngư dân trên biển, bảo đảm an toàn đi biển, tổ chức ứng cứu kịp thời khi có rủi ro; giảm tổn thất sau thu hoạch từ khai thác thủy sản.

Mặt khác, tỉnh bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng, giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp..., trong quy hoạch không gian biển, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, siêu thâm canh, nuôi khép kín trong nhà kính; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể) theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, chất lượng cao; đồng thời, xây dựng các quy trình công nghệ nuôi trồng an toàn sinh học, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ nuôi ít sử dụng nước, ít xả thải ra môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bạc Liêu ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu dinh dưỡng, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản và thuốc thú y thủy sản; tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung thay thế bột cá, dầu cá; phát triển các loại thức ăn có hệ số thức ăn thấp, giá thành hợp lý.

Ông Lưu Hoàng Ly nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong chế biến tôm để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm tôm.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá; công nghệ khai thác; quản lý nuôi trồng thủy sản; cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm thủy sản.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm