Bạc Liêu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bạc Liêu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm
Thương lái thu mua tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
 Thương lái thu mua tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, trên cơ sở Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh, các sở, ngành có liên quan phải xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng tham gia thực hiện. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn bộ máy chỉ đạo và bộ phận giúp việc thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở, đủ năng lực triển khai Chương trình. Ông Dương Thành Trung yêu cầu tỉnh cần chọn sản phẩm đặc thù của từng địa phương, các sản phẩm được lựa chọn phải gần với các tiêu chí đã đưa ra, đồng thời có những hỗ trợ cho các sản phẩm này. Bạc Liêu phải phát huy tối đa lợi thế của người đi sau, rút kinh nghiệm của người đi trước bằng cách thành lập các đoàn đi học tập kinh nghiệm từ các địa phương đã có sản phẩm OCOP… Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai Đề án OCOP. Theo đó, Đề án OCOP được xây dựng nhằm thực hiện việc phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nhằm triển khai Chương trình quốc gia với các mục tiêu cụ thể: Nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo định hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện Đề án OCOP của tỉnh.
Ngày 3/10/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết và định hướng quảng bá tôm Bạc Liêu gắn với liên kết phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp. Tại hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FLC, Tập đoàn Việt Úc về “Hợp tác xây dựng, quảng bá và phát triển các thương hiệu tôm từ Bạc Liêu”. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Ngày 3/10/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết và định hướng quảng bá tôm Bạc Liêu gắn với liên kết phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp. Tại hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FLC, Tập đoàn Việt Úc về “Hợp tác xây dựng, quảng bá và phát triển các thương hiệu tôm từ Bạc Liêu”. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Đề án OCOP được áp dụng trên 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đối tượng là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ các địa phương, đặc biệt là sản phẩm vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện Đề án là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, trong đó chú trọng các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, đến năm 2020, Bạc Liêu phát triển ít nhất 34 sản phẩm, dịch vụ (năm 2025 ít nhất 24 sản phẩm, dịch vụ; năm 2030 ít nhất 13 sản phẩm, dịch vụ); phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế có thể tham gia Chương trình OCOP, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã (năm 2025 công nhận, chứng nhận ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cao cấp quốc gia; năm 2030 công nhận, chứng nhận thêm 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao quốc gia); đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố) tham gia Chương trình OCOP; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; xây dựng tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh (năm 2025 xây dựng tối thiểu 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; năm 2030 xây dựng tối thiểu 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP).
Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm