Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn để di dời dân khỏi rừng phòng hộ

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn để di dời dân khỏi rừng phòng hộ

Với mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động thực vật sống dưới tán rừng, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chống lại sự khai thác bừa bãi, chặt phá cây rừng của những người chuyên sống trong rừng phòng hộ, cách đây 8 năm, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt "Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu".

Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành di dời, tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển. Tổng mức đầu tư thời điểm đó gần 360 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ công trình cấp bách, bức xúc là 60%. Tuy nhiên, đến nay, dù nhiều khu tái định cư đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương nhưng chính quyền sở tại vẫn đang gặp khó khăn trong việc di dời dân vào ở.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn để di dời dân khỏi rừng phòng hộ ảnh 1HĐND tỉnh Bạc Liêu tổ chức giám sát tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu ở thời điểm năm 2014 được xem là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh Bạc Liêu mà còn giải quyết vấn đề nan giải tồn tại nhiều năm: bài toán gì để những người dân nghèo sống dưới tán rừng, trước nay vẫn được xem là những đối tượng "5 không": không nhà cửa, không học vấn, không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không đất sản xuất có được cuộc sống ổn định và chấp nhận ra khỏi rừng.

Dự án đầu tư xây dựng gồm 8 điểm tái định cư tại huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu với các hạng mục chính: San lấp mặt bằng, điểm sinh hoạt văn hóa, chợ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, cầu, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt… để thực hiện di dời, sắp xếp tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển và tái định cư tại chỗ cho các hộ trong khu vực xây dựng dự án.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn để di dời dân khỏi rừng phòng hộ ảnh 2Trạm cấp nước tập trung được xây dựng phục vụ người dân vào tái định cư. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tổng số hộ thuộc trường hợp di dời trong Dự án là 915 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu tập trung ở các địa phương ven biển. Qua kiểm điếm, có 6 hộ đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ; 521 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển, các đối tượng này chủ yếu không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu từ nghề bắt nghêu, sò, lấy củi… dưới tán rừng ngập mặn gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Ngoài ra còn có 397 hộ dân nhận khoán rừng, đây là những đối tượng có sự quản lý tốt hơn, rừng ít bị chặt phá, lấn chiếm; năng suất, chất lượng rừng tăng lên; sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp.

Trong giai đoạn 1 của dự án (2014-2016) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư, đã xây dựng hạ tầng 3 điểm tái định cư cho các hộ dân tại các xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình và xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải với 367 nền, đáp ứng 37% tổng số hộ thuộc dự án. Tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ tiến hành di dời những hộ dân đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ và đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến cuộc sống khi triều cường cao, sạt lở, bão vào các khu dân cư này.

Ở giai đoạn 2 (từ năm 2017 đến nay), dự kiến thực hiện 2 khu tái định cư khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu và ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do những khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về nguồn vốn, giai đoạn 1 của dự án kéo dài đến nay mới hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đối với 3 khu tái định cư. Đồng thời, tháng 6/2018, HĐND tỉnh Bạc Liêu ban hành Nghị quyết tạm dừng thực hiện giai đoạn 2 của Dự án. Theo đó, cần lập đề án di dời dân vào các khu tái định cư đã xây dựng hoàn chỉnh của giai đoạn 1, đánh giá rút kinh nghiệm làm cơ sở triển khai tiếp giai đoạn 2.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn để di dời dân khỏi rừng phòng hộ ảnh 3Trường học được xây dựng phục vụ con em người dân vào tái định cư. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Hiện tại, phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các Khu tái định cư như: san lắp mặt bằng khu quy hoạch xây dựng nhà ở; đầu tư xây dựng đường giao thông; lát gạch vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, nước sinh hoạt, trường mẫu giáo, tiểu học, nhà văn hoá cộng đồng đã hoàn thành và được bàn giao cho UBND thành phố Bạc Liêu cùng UBND huyện Hoà Bình, mỗi địa phương 1 khu dân cư cùng các công trình phúc lợi xã hội. Khu tái định tại huyện Đông Hải cũng đang được chuẩn bị bàn giao. Để hoàn thành dự án ở giai đoạn 1, nhà nước đã đầu tư hơn 237 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương 173,5 tỷ đồng, địa phương đối ứng 63,5 tỷ đồng.

Mặc dù chủ đầu tư đã bàn giao công trình ở một số điểm thuộc dự án, nhưng chính quyền sở tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc di dời dân vào khu tái định cư. Đa phần cuộc sống chủ yếu của các hộ dân thuộc đối tượng di dời đều là các hộ nghèo, không nghề nghiệp ổn định, làm thuê, đánh bắt thủy hải sản ven sông, ven rừng, ngoài đê biển bằng những dụng cụ thô sơ. Dù cơ sở hạ tầng khu tái định cư thông thoáng, đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, nhưng hầu hết người dân đều cảm thấy băn khoăn liên quan đến vấn đề sinh kế.

Bà Thạch Thị Cưng, ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu là một trong số trên 100 hộ dân cất nhà và cư trú trái phép trên đất rừng cho biết, mình rất vui khi nhà nước tạo điều kiện để gia đình an cư lập nghiệp. Nhưng bà cũng như bà con ở đây không biết sẽ lấy gì sống khi phải xa biển, xa rừng. Còn nếu tiếp tục sống bằng những nghề dưới tán rừng thì khu tái định cư khá xa, họ di chuyển tìm kế sinh nhai không được.

Còn ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải thừa nhận một thực tế, qua khảo sát trên 300 hộ thuộc địa bàn huyện phải thực hiện di dời khỏi rừng phòng hộ, hầu hết các trường hợp, bà con không đủ khả năng để tự xây dựng nhà tại khu tái định cư tập trung do nhà nước cấp nền. Phần lớn các hộ dân này đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có việc làm ổn định, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, đánh bắt thủy hải sản ven sông, ven rừng nên thu nhập thấp, nhà ở chủ yếu là chòi, nhà tạm, bán kiên cố. Làm sao để giúp những hộ dân này có thể cất nhà trên phần đất tại khu tái định cư cũng cần được tính toán.

Trong số các huyện, thành phố ven biển của tỉnh Bạc Liêu thì Hòa Bình là địa phương có tổng số hộ thuộc đối tượng phải di dời ra khỏi rừng phòng hộ nhiều nhất với 635 hộ, trên 2.500 khẩu; trong đó, 289 hộ với gần 1.280 khẩu cần di dời trong giai đoạn 1 của dự án. Mỗi hộ được Nhà nước cấp 1 nền nhà với chiều ngang 10m, dài 50m để tự cất nhà ở. UBND huyện Hoà Bình đã vận dụng các chính sách hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhưng đến nay mới chỉ có 14 hộ nhận tiền hỗ trợ, nhưng chưa thực hiện cất nhà trong khu tái định cư.

Ông Mã Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho rằng, để thực hiện có hiệu quả dự án, còn rất nhiều việc cần làm. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cần quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho bà con. Cụ thể như mở các lớp dạy nghề nông thôn, như chăn nuôi gia súc, gia cầm; lớp dạy nghề may (để làm việc cho các công ty may), dạy nghề điện, điện tử, điện lạnh…

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hộ dân theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là hỗ trợ gạo ăn 12 tháng/khẩu/30kg; hỗ trợ di chuyển nội vùng; hỗ trợ phí xây nhà tại nơi ở mới và hỗ trợ thêm cho đối tượng di dời có nhà kiên cố, bán kiên cố theo Quyết định số 20 của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ khác cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, như: bảo hiểm y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ chung về san lấp mặt bằng và bố trí nơi neo đậu phương tiện ghe tàu, võ lãi đánh bắt thủy sản cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời.

Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương có rừng phòng hộ. Tuy vậy, đến nay, sau 8 năm triển khai, chưa có hộ dân nào được di dời vào nơi tái định cư, đây là một vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để có phương án giải quyết thỏa đáng.

Chính vì thế tại các cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khỏi rừng phòng hộ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận lưu ý, việc triển khai dự án chậm trễ so với thời gian dự kiến nên cần nhanh chóng triển khai hoàn thành các công việc còn lại để địa phương tiến hành di dời dân vào các khu tái định cư, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước cũng như thể hiện sự quyết tâm của tỉnh là chăm lo cho cuộc sống của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư cần xác định chính xác, rõ ràng, khách quan, công khai, minh bạch đối tượng hỗ trợ. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục xem xét, rà soát chặt chẽ, chính xác các trường hợp phát sinh để thực hiện đạt hiệu quả. Đối với việc xây dựng phương án, cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể trong từng khâu liên quan đến di dời, hỗ trợ để khi thống nhất triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận nhấn mạnh, dự án chỉ thực sự thành công khi đảm bảo cho dân được an cư, giúp dân có điều kiện lập nghiệp để ổn định cuộc sống, con cái được học hành đàng hoàng.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm