Bạc Liêu phát triển du lịch vùng phía Bắc Quốc lộ 1A trở thành sản phẩm du lịch quan trọng

Chùa Giác Hoa (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: thamhiemmekong.com
Chùa Giác Hoa (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: thamhiemmekong.com

Bạc Liêu đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác du lịch tại các di tích lịch sử và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế hệ thống sông nước, cánh đồng lớn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (gồm các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Giá Rai).

Định hướng sản phẩm du lịch

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, sản phẩm du lịch vùng phía Bắc Quốc lộ 1A gồm các giá trị văn hóa tâm linh có sức ảnh hưởng, tạo thành thương hiệu trong khu vực và cả nước như: Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Giác Hoa, chùa Cỏ Thum,... Những địa điểm du lịch này đang tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh Bạc Liêu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạc Liêu phát triển du lịch vùng phía Bắc Quốc lộ 1A trở thành sản phẩm du lịch quan trọng ảnh 1Chùa Giác Hoa (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: thamhiemmekong.com

Các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cũng là sản phẩm du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Mục tiêu quan trọng của tỉnh là tập trung bảo tồn, phát huy và khai thác, phát triển du lịch tại di tích lịch sử, như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh, Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng, Di tích lịch sử Nọc Nạng...

Mặt khác, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp “miệt đồng quê vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (gồm hai huyện Hồng Dân, Phước Long), trên cơ sở phát huy lợi thế những cánh đồng lớn, hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đặc biệt là Kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp và đường Quản Lộ – Phụng Hiệp (sắp tới là tuyển cao tốc Cần Thơ – Cà Mau). Đồng thời, trên cơ sở các làng nghề hiện tại, tỉnh phát triển thành các điểm du lịch làng nghề, nơi tổ chức các dịch vụ tham quan, trình diễn nghề thủ công, bán hàng lưu niệm, tìm hiểu về nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của quê hương Bạc Liêu.

Cùng với đó, tỉnh khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các vườn chim, vườn cỏ. Trong đó, khai thác nét khác biệt, đặc trưng của các vườn chim, vườn cỏ tự nhiên vừa có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đồng thời, tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa, ẩm thực về đêm; đầu tư các công viên, khu phố chuyên đề; tổ chức các sự kiện lớn, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, trình diễn âm thanh, ánh sáng; thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện du lịch tại các đô thị trung tâm của vùng phía Bắc Quốc lộ 1A để thu hút du khách.

Bạc Liêu phát triển du lịch vùng phía Bắc Quốc lộ 1A trở thành sản phẩm du lịch quan trọng ảnh 2Du khách tham quan Quảng trường Hùng Vương - điểm du lịch hấp dẫn tại Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch

Bà Trần Thị Lan Phương cho biết, ngoài các sản phẩm du lịch, Bạc Liêu tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và triển khai các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch như: Dự án nâng cấp, sửa chữa đình Thần Phong Thạnh – thị xã Giá Rai, di tích Thất Giồng Bốm và điểm du lịch sinh thái Vườn chim Phong Thạnh Tây (quy hoạch mới); điểm du lịch sinh thái Vườn cò Phước Long; điểm dịch vụ du lịch Khu Nhà thờ Tắc Sậy... và một số quy hoạch chi tiết khác.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu Văn hóa đa năng Thiên Phúc (thị xã Giá Rai)...; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để thu hút du khách; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, động lực để phát triển du lịch. Tỉnh nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch; cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng trên địa bàn nhằm thu hút du khách; đầu tư hệ thống các bến tàu, bãi đỗ xe đối với địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.

Bạc Liêu tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch tổng hợp có quy mô lớn, các dự án về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, làng nghề truyền thống... Đồng thời, địa phương huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch, các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm lưu niệm, đặc sản, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, kích thích tiềm năng khai thác khách quốc tế từ các thị trường Campuchia, Thái Lan. Bạc Liêu sửa chữa, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quản Lộ - Phụng Hiệp; đề xuất nghiên cứu xây dựng đường Quốc lộ 1A đoạn tránh Nhà thờ Tắc Sậy nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tại Khu du lịch Nhà thờ Tắc Sậy.

Bạc Liêu còn tổ chức Chương trình khảo sát, tham quan cho đoàn khách của các tỉnh, thành, các đơn vị lữ hành trong nước, các cơ quan báo chí tại các tuyến, điểm tham quan có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch, qua đó hình thành thêm tuyến du lịch mới với sản phẩm đặc trưng du lịch “miệt đồng quê”.

Tỉnh tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ Bạc Liêu thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị của Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh với phát triển du lịch.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm