Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thành phố Bạc Liêu đang trên đà phát triển, phấn đấu trở thành một thành phố du lịch đẹp và thân thiện, là điểm ưu tiên dừng chân của du khách khi đến với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Thành phố Bạc Liêu đang trên đà phát triển, phấn đấu trở thành một thành phố du lịch đẹp và thân thiện, là điểm ưu tiên dừng chân của du khách khi đến với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nhiều tín hiệu khả quan

Ngành Du lịch Bạc Liêu đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Cao Xuân Thu Vân, năm 2018, doanh thu du lịch – dịch vụ của Bạc Liêu đạt trên 1.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn ước đạt gần 650 tỷ đồng; đón tiếp trên 1,8 triệu lượt khách du lịch; khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt gần 700.000 người; khách quốc tế đạt trên 51.000 lượt.

Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tái công nhận 3 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Tây Nam Bộ (Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu; Quán Âm Phật Đài; Khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu). Ngành Du lịch Bạc Liêu hoàn thiện hồ sơ công nhận Điện gió là điểm du lịch, trình Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực; tổ chức thành công Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh lần thứ I…

Bạc Liêu tiếp tục đầu tư, nâng cấp từng bước hoàn thiện các điểm du lịch hiện có để kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch: Dự án khu du lịch Quán Âm Phật Đài (thành phố Bạc Liêu), hạ tầng đường giao thông đi đến chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi), quy hoạch nơi buôn bán, gửi xe và các dịch vụ khác đi kèm; chấn chỉnh và sắp xếp nâng cao chất lượng hoạt động theo định hướng quản lý tổng thể toàn khu vực Khu Du lịch Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), gắn phát triển du lịch khu vực ven biển Bạc Liêu với các sản phẩm du lịch dự kiến sẽ hình thành trong thời gian tới như: Du lịch điện gió, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện tuyến đường từ thành phố Bạc Liêu ra Nhà Mát – Hiệp Thành; đôn đốc hoàn thành dự án đầu tư hạ tầng Khu Du lịch Nhà Mát (khu II), Thiền viện Trúc Lâm.

UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Bạc Liêu với diện tích khoảng 400 ha tại xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp thành, thành phố Bạc Liêu. Tỉnh phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bố trí đất xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa kiến trúc và thương mại – dịch vụ – du lịch Công tử Bạc Liêu (khu B). Cùng với đó, Bạc Liêu mời đầu tư 3 dự án: Dự án xây dựng bến tàu du lịch Bạc Liêu – Côn Đảo và khu vực cảnh quan nhân tạo trên biển (thành phố Bạc Liêu); Dự án điểm du lịch – dịch vụ Tắc Sậy (thị xã Giá Rai); Dự án điểm du lịch Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải).

Nhiều Lễ hội truyền thống như: Lễ hội Đồng Nọc Nạng, Lễ hội Quán Âm Nam Hải, Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào, Lễ hội Kỳ Yên… đã thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch thập phương tham dự. Thông qua các hoạt động lễ hội đã quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch, sản phẩm du lịch, hàng hóa lưu niệm, ẩm thực đặc trưng, văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Cao Xuân Thu Vân cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được,  ngành Du lịch Bạc Liêu còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế: Công tác quy hoạch, triển khai dự án du lịch thực hiện còn chậm. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ lao động chuyên môn ngành du lịch còn hạn chế. Việc nâng giá dịch vụ du lịch, chèo kéo khách vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Vệ sinh môi trường ở một số điểm du lịch vẫn chưa được đảm bảo. Hệ thống giao thông đến các điểm du lịch chậm đầu tu, nâng cấp. Lượng du khách đến Bạc Liêu đông, tuy nhiên số lượng lưu trú, mua sắm chiếm tỷ trọng thấp. Công tác quảng bá du lịch của tỉnh chưa rộng rãi đến các phương tiện truyền thông của Trung ương và của các vùng, miền. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu những dịch vụ đặc sắc để giữ chân du khách; tỉnh chưa có trạm dừng chân…

Phát triển du lịch liên vùng, trọng điểm và hiệu quả

Tại Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu lần I mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương khẳng định, hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức, cá nhân thể hiện quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, tạo tiền đề đưa ngành Du lịch phát triển bền vững, không chỉ là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh mà còn phải trở thành một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ quyết tâm xây dựng ngành Du lịch phát triển lớn mạnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, các cấp, các ngành cần thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận về phát triển du lịch, phải xem du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Bà Lâm Thị Sang cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các cấp. Đồng thời, tỉnh nâng cao vai trò của các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp khác trong hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh. Bên cạnh đó, Bạc Liêu sớm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý du lịch giữa các ngành nghề để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển du lịch; huy động có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư cho phát triển du lịch.

Tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch. Hiệp hội Du lịch cần chủ động đề xuất với chính quyền địa phương trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương liên quan đến phát triển du lịch, tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các hoạt động quảng bá du lịch…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Cao Xuân Thu Vân, năm 2019, Bạc Liêu phấn đấu đạt doanh thu du lịch – dịch vụ khoảng 2.200 tỷ đồng (tăng từ 30% – 35% so với năm 2018), trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn đạt trên 630 tỷ đồng; đón tiếp trên 2,3 triệu lượt khách du lịch (tăng trên 25% so với năm 2018); khách sử dụng dịch vụ lưu trú trên 800.000 người; khách quốc tế khoảng 66.000 lượt khách. Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới từ 1 – 3 sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng (chùa Xiên Cán, vườn chim Lập Điền, khu Vườn nhãn cổ); xây dựng thí điểm mô hình du lịch trải nghiệm nhà dân; phấn đấu công nhận 1 – 2 điểm du lịch địa phương và đề nghị Hiệp hội Du lịch công nhận là điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long (chùa Xiêm Cán, chùa Hưng Thiện); công nhận từ 1 – 3 khách sạn đạt chuẩn từ 2 sao trở lên…

Để thực hiện các mục tiêu trên, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 năm 2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 9 năm 2018 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch như: tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu điểm du lịch Nhà Mát, Hiệp Thành, du lịch điện gió, du lịch kết hợp tham quan Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; triển khai hoàn thành các dự án: Bảo tàng tỉnh, Khu du lịch Nhà Mát (khu II), Thiền Viện Trúc Lâm, điểm du lịch Chùa Hưng Thiện…

Tỉnh xây dựng các đề án cụ thể để rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch nhằm tạo cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giữa các không gian ưu tiên phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. 5 không gian du lịch được xác định gồm: Không gian du lịch trung tâm thành phố Bạc Liêu, Không gian du lịch ven biển thành phố Bạc Liêu, Không gian du lịch vành đài sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), Không gian du lịch Giá Rai – Đông Hải, Không gian du lịch Vĩnh Lợi – Hồng Dân – Phước Long.

Để du lịch phát triển xứng tầm, Bạc Liêu đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với việc phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh cần phải tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch… nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bạc Liêu trong giai đoạn mới.
Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm