Bạc Liêu gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm với tái cơ cấu lại nông nghiệp

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ông Pham Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, năm 2022, tỉnh đầu tư 12,5 tỷ đồng tiếp tục triển khai đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bạc Liêu gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm với tái cơ cấu lại nông nghiệp ảnh 1Sản phẩm khô cá phi, khô tôm thẻ ép, khô tôm đất nguyên vỏ được công nhân sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tỉnh xác định, phát triển sản phẩm OCOP là nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiêu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Từ khi chương trình OCOP được triển khai, đến nay Bạc Liêu có 91 sản phẩm OCOP đã được công nhận; trong đó, 67 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện các thủ tục để Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu tổ chức công nhận thêm 22 sản phẩm trong năm 2022.

Cùng với việc công nhận mới, Bạc Liêu sẽ tổ chức 7 lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý Chương trình cấp huyện, xã. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 20 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP mua sắm, lắp đặt, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình, từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bạc Liêu gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm với tái cơ cấu lại nông nghiệp ảnh 2Đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hỗ trợ xây dựng 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỉnh phối hợp với Cơ sở Kiều Hạnh, ấp Cái Dây, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa bàn thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi; phối hợp với Cơ sở Nguyễn Thị Hải Liên, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Quán âm Phật đài, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; phối hợp với Cơ sở Gia Phú, phường 1, thành phố Bạc Liêu xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường 1, thành phố Bạc Liêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với UBND huyện Phước Long, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bạc Liêu cũng sẽ xây dựng 1 điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nhất là trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ so với trước khi được công nhận. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP được tiêu thụ với số lượng lớn như: tôm khô Đa Giàu, khô cá kèo Kiều Hạnh hay bánh đậu xanh Hương…

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ nhân của sản phẩm OCOP khô cá kèo Kiều Hạnh chia sẻ, trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, bình quân mỗi năm cơ sở của chị bán khoảng 5 tấn khô cá kèo. Nhưng sau khi được công nhân sản phẩm OCOP, sản lượng khô mà cơ sở cung cấp ra thị trường tăng gấp 3 lần.

Theo chị Tú, tỉnh Bạc Liêu có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng nhưng việc quảng bá, đưa sản phẩm đến khách hàng của các chủ thể còn hạn chế. Do đó, rất cần được sự tiếp sức của chính quyền và ngành chức năng. Cụ thể như tạo điều kiện các chủ thể tham gia các hội chợ, sự kiện giới thiệu nông sản để lan tỏa thương hiệu OCOP Bạc Liêu. Qua đó, vừa giới thiệu hình ảnh Bạc Liêu đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước, vừa giúp người dân phát triển kinh tế gia đình từ những sản phẩm do mình làm ra.

Mặc dù, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu hiện nay còn tồn tại một số khó khăn nhất định, nhất là việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các sản phẩm OCOP không phát huy giá trị; trong đó có nguyên nhân là do việc quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm chú trọng.

Bạc Liêu gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm với tái cơ cấu lại nông nghiệp ảnh 3Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Nhận thấy những khó khăn như vậy, chính quyền các cấp cùng các sở ngành cũng như các chủ thể sản phẩm OCOP đang chú trọng công nhận sản phẩm, đồng thời có chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là vấn đề cốt lỗi có ý nghĩa quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập.

Theo Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu, thực hiện thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, ngành công thương Bạc Liêu đang triển khai nhiều pháp nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến tay người dùng. Theo đó, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các Hội chợ để có cơ hội tìm kiếm kết nối với đối tác, hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tỉnh hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng website quảng bá sản phẩm để phục vụ tuyên truyền quảng bá và bán sản phẩm. Tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan báo chí trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản, các sản phẩm OCOP hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

Song song đó, tỉnh khuyến khích thành lập mới nhiều hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, sản xuất hàng hoá, quy mô lớn và đảm bảo chất lượng. Xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước. Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP. Từ đó, góp phần thiết thực trong việc tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm