Bắc Kạn xóa đói giảm nghèo nhờ cây chít

Bắc Kạn xóa đói giảm nghèo nhờ cây chít
Trước kia, những đồi đất được bà con trồng lúa nương, trồng khoai, trồng ngô nhưng sau một vài vụ đất trở nên cằn cỗi không thể trồng cây gì được nữa. Đồi cao, lại dốc thẳng đứng, xa nhà nên việc vận chuyển phân bón cải tạo đất rất khó khăn, tốn rất nhiều công do địa hình xa mà đồi thì lại dốc đứng nên bà con đành bỏ hoang đồi đất. Đồi ngô, đồi ruộng trở thành đất trống, đồi trọc không biết bao ngày tháng. 
 
Nông dân thu hoạch chít trên những đồi trồng.
Nông dân thu hoạch chít trên những đồi trồng.

Vào thời điểm 2006, tự nhiên có nhiều thương lái vào xã thu mua cây chít với giá cao. Lúc này cây chít chỉ là loại cây mọc hoang trên các đồi đất nên chỉ việc đi thu chít về bán. Thấy loại cây này bán được giá, nhu cầu thu mua cao, lại mọc được trên đất đồi cằn cỗi nên bà con đánh những gốc chít hoang về trồng. Những mảnh đồi hoang khi xưa nay lại được phủ xanh bởi chít. 

Anh Triệu Phúc Tiến, người dân tộc Dao thôn Phiêng Khăm cho biết: Ở đây nhà nào cũng trồng chít, như nhà anh trồng loại cây này tới 3 ha. Hiện nay vườn của anh đã thu hoạch được một nửa. Mỗi năm tiền bán chít cho gia đình thu nhập khoảng 50 tới 60 triệu đồng. Cứ vào đầu vụ từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch là thu hoạch, phơi chít. Giá đầu vụ là 20.000đ/ kg chít khô, chít tươi là 6.000đ/kg. Nhờ có cây chít nên bây giờ gia đình anh có cuộc sống tốt hơn trước kia, nhiều vật dụng có giá trị trong gia đình anh như xe máy, ti vi, tủ lạnh đều được mua nhờ tiền bán loại cây này. 
 
Thương lái từ thành phố Bắc Kạn vào Mỹ Thanh để thu mua chít.
Thương lái từ thành phố Bắc Kạn vào Mỹ Thanh để thu mua chít. 

Xã Mỹ Thanh hầu như thôn nào cũng trồng chít, nhưng chít chủ yếu được trồng tại ba thôn Phiêng Khăm, Châng và Nà Cà. Cây chít có ưu điểm là dễ trồng, phù hợp với mọi loại đất, chi phí đầu tư thấp lại tốn ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết. Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ trong vòng một năm đã cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong chỉ cần phát khóm chít cũ là sang năm cây lại mọc tiếp mà không phải mất công trồng lại. 

Bà con nông dân phân loại và phơi chít.
Bà con nông dân phân loại và phơi chít.

Để cây chít phát triển tốt, người dân phải trồng đúng vụ, thường là từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch khi thời tiết bước vào mùa mưa, lúc này độ ẩm trong đất cao giúp cây chít nhanh thích nghi, sinh trưởng. Tuy nhiên qua hai ba năm thì gốc chít phát triển quá dày, cây mọc sát nhau quá nên bị bé, chậm phát triển cho nên hàng năm bà con phải đốt hết những gốc cũ này và trồng thêm nhiều gốc mới. 

Bà con nông dân phân loại và phơi chít.
Bà con nông dân phân loại và phơi chít. 

Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã cho biết, đây chỉ là cây trồng cho thu nhập thời vụ nhưng nhờ có giá trị kinh tế nên người dân đua nhau trồng, đến nay cả xã có tới 50 ha chít tự trồng. 

Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ việc mua bán là do thương lái tự biết đến và tìm mua chứ chưa hề tìm được đầu ra ổn định. Nông dân trồng chít chỉ phát cây chứ không hề chăm bón nên trải qua nhiều năm, cây chít bây giờ bé và óp hơn xưa. Hiện nay xã Mỹ Thanh đang tiến hành tuyên truyền biện pháp canh tác cho bà con như đốt gốc, bón phân để cây trồng phát triển với chất lượng tốt nhất. Với tiềm năng có thể phát triển hơn nữa địa phương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng, đồng thời cũng tính toán tới phương án thành lập một cơ sở hoặc hợp tác xã đan chổi chít để tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, tăng thêm nguồn thu nhập./. 

TTXVN

Có thể bạn quan tâm