Bắc Kạn thúc đẩy xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại tập trung

Các nhà khoa học giới thiệu mô hình tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hoàng Giang – TTXVN
Các nhà khoa học giới thiệu mô hình tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hoàng Giang – TTXVN

Ngày 30/6, tại Bắc Kạn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cấp giống ông bà để sản xuất lợn giống bố mẹ.

Đây là chương trình thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống bố mẹ và chăn nuôi lợn ngoại tập trung tại Bắc Kạn”. Chương trình đã lựa chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Huế tại Bắc Kạn làm đơn vị thực hiện mô hình.

Hiện, nhu cầu lợn giống tại Bắc Kạn khá cao, song trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở cung cấp con giống, đặc biệt là lợn lai 2 hoặc 3 máu nuôi thương phẩm. Hầu hết con giống tại địa phương hiện nay được các hộ chăn nuôi nhập về từ tỉnh ngoài, trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên không đảm bảo về chất lượng, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát và lây lan dịch cao.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, để đẩy mạnh ngành chăn nuôi lợn, tỉnh cần tập trung phát triển vùng chăn nuôi lợn nái ngoại. Trong đó, việc xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ông bà để sản xuất lợn bố mẹ cung cấp cho các trang trại trong tỉnh là việc làm hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay.

Thực tế cho thấy, mặc dù mối nguy hại từ dịch bệnh gây ra cho đàn lợn tương đối giống nhau giữa các hình thức, quy mô chăn nuôi, nhưng mức độ ảnh hưởng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là nặng nề nhất. Việc phát triển chăn nuôi tập trung là hướng đi tất yếu để đảm bảo phát triển chăn nuôi lợn có hiệu quả và bền vững.

Mô hình đã triên khai nuôi lợn ngoại, quy mô 200 nái bố mẹ dòng lợn Landrace, Yorkshire và Duroc để tạo lợn lai 3 máu với ưu điểm con lai 3 máu sinh trưởng nhanh, tỉ lệ nạc cao và tiêu tốn thức ăn thấp. Đến nay, mô hình đã sản xuất được 3.315 con lợn thương phẩm 3 máu đạt tiêu chuẩn. Đối với tỉnh Bắc Kạn, dự án này đã cung cấp con giống lợn ngoại đạt tiêu chuẩn cho toàn tỉnh, đáp ứng phần nào nhu cầu tái đàn cao như hiện nay. Đây là mô hình chăn nuôi tiêu biểu để nhân rộng cho các địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Huế cho biế: Dự án đã cho ra sản phẩm tốt, giá trị hàng hóa được nâng cao nên người chăn nuôi, người bán, người tiêu dùng, người lao động đều được hưởng lợi từ dự án. Các trang trại, gia trại khi lấy lợn từ dự án còn được công ty hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật về cách chăn nuôi khoa học để đảm bảo không bị dịch bệnh, ổn định thu nhập.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng dịch, giống lợn con do Công ty cung cấp cho các trang trại, gia trại vệ tinh đã an toàn vượt qua bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây được coi là thành công lớn nhất của đơn vị chủ trì và tổ chức chuyển giao. Sau dự án này, Công ty sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi lợn ngoại, nâng công suất chăn nuôi đàn bố mẹ lên 600 con, mỗi năm cung cấp 15.000 con lợn thịt, ưu tiên cung cấp cho nhu cầu người dân tại địa phương.

Tại hội thảo, đại biểu đại diện các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã đưa ra ý kiến và trao đổi với các nhà khoa học, kỹ thuật về các vấn đề như: Bảo đảm kỹ thuật trong chăn nuôi lợn ngoại thương phẩm 3 máu, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học…

Kết luận hội thảo, ông Hoàng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Đây là mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật có quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Kạn hiện nay, áp dụng theo tháp 4 cấp độ đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi hiện đại. Dự án này có ý nghĩa về mặt cung cấp giống cho việc tái đàn, phần nào đáp ứng được nhu cầu về lợn giống cao của Bắc Kạn và các tỉnh lân cận.

Vũ Hoàng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm