Bắc Giang phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Canh tác nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Canh tác nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, tập trung hỗ trợ, đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bắc Giang phát triển nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Canh tác nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: Danh LamTTXVN

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 40%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng.

Đến năm 2025 Bắc Giang phấn đấu có khoảng 50% số hợp tác xã nông nghiệp có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao; trong đó, tối thiểu 1/3 hợp tác xã có các ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ sinh học, gen, vi sinh, công nghệ tự động hóa, các công nghệ khác trong sản xuất tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; ứng dụng nhà lưới, nhà kính; ứng dụng trong bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi…

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách mới để đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tiếp tục duy trì chính sách xây dựng nhà lưới, nhà màng để hạn chế thiệt hại sản xuất do điều kiện thời tiết và sâu bệnh hại gây nên đối với cây rau màu, hoa sinh vật cảnh có giá trị kinh tế cao (dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, hoa cao cấp…).

Đối với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tỉnh có chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất (đường giao thông, kênh mương nội đồng, hệ thống điện), nhà sơ chế, kho lạnh. Đối với các loại cây trồng không sản xuất trong nhà lưới, nhà màng như cây lúa, cây công nghiệp, cây vải, cây ăn quả có múi…, tỉnh có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón và quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, chuồng trại, dây chuyền giết mổ tập trung, kho lạnh, hệ thống xử lý chất thải… đối với vùng sản xuất tập trung theo quy mô trang trại. Cùng với đó, tỉnh tập trung hỗ trợ sản xuất giống chăn nuôi chất lượng, đặc biệt là đối với đàn lợn nái phục vụ nhu cầu tái đàn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống gia cầm...

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh như cây vải, cây cam, cây bưởi, cây lúa, cây rau mầu, hoa, lợn, gà… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đó là quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; quy trình sản xuất SRI, 3 giảm, 3 tăng; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, chuồng trại khép kín, có máng ăn, máng uống tự động, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Các sản phẩm nông sản của các mô hình này như vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch… đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bắc Giang đạt bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường, trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Có thể kể đến các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến của Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng, Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 3 (huyện Hiệp Hòa); mô hình sản xuất hoa cao cấp tại các xã Song Mai, Đa Mai, Dĩnh Trì, Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang); mô hình sản xuất chè ở các xã Xuân Lương, Tam Tiến, Canh Nậu, Đồng Tâm (huyện Yên Thế); mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái ở các xã Thường Thắng, Danh Thắng, Đức Thắng, Quang Minh (huyện Hiệp Hòa) và ở các xã Ngọc Châu, An Dương, Cao Thượng (huyện Tân Yên).

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm