Bắc Giang phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bắc Giang phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh tăng cường tuyên truyền các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm để nhân ra diện rộng; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương.

Các thành viên Tổ Phụ nữ liên kết trồng và chế biến nấm sạch xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN
Các thành viên Tổ Phụ nữ liên kết trồng và chế biến nấm sạch xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN
Tỉnh rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Bắc Giang còn chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.

Ngoài ra, tỉnh củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các hình thức liên kết trong tập trung, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát triển, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại, kinh tế hộ theo chuỗi giá trị.

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó ưu tiên phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang, đến nay tỉnh Bắc Giang đã huy động được trên 593 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhờ đó, đến nay tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở phường Đa Mai (thành phố Bắc Giang). Ảnh: baobacgiang.com.vn
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở phường Đa Mai
(thành phố Bắc Giang). Ảnh: baobacgiang.com.vn

Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu như vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch.

Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh bình quân đạt từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường; trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng tăng từ 30-40% so với năm 2016.

Các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến với diện tích hàng trăm ha tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam cho giá trị thu nhập bình quân từ 500-800 triệu đồng/ha/năm; sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định thông qua hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Các mô hình sản xuất hoa cao cấp, chất lượng cao ở thành phố Bắc Giang có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã cho doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với sản xuất hoa thông thường.

Mô hình sản xuất cây có múi được triển khai ở huyện Lục Ngạn trên cây cam Đường Canh và cây cam Vinh với quy mô 35 ha; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất VietGAP; cho thu nhập trung bình từ 500-700 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu trong số này là mô hình trồng cam Đường Canh của ông Bùi Đức Long ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn quy mô 5 ha cho thu nhập đạt 5,4 tỷ đồng/năm.

Mô hình sản xuất chè triển khai ở huyện Yên Thế ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng từ 20-30% so với sản xuất thông thường.

Kết quả thành công của mô hình đã giúp mở rộng diện tích trồng chè của huyện Yên Thế lên trên 530 ha (có 17 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP) với sản lượng đạt trên 4.300 tấn.

Tỉnh đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác chiếm trên 39% diện tích cây ăn quả; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos, phần mềm VietGAP, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch.

Đến nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 14.300 ha (chiếm 50,1%), sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 258 ha; sản xuất để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU... là 218 ha.

Đặc biệt năm 2020 tỉnh Bắc Giang đang triển khai sản xuất 50 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Vải thiều Bắc Giang sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cho năng suất tăng từ 20-30%, đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn 2-3 lần so với sản xuất truyền thống.

Việt Hùng

Có thể bạn quan tâm