Bắc Giang phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang Trần Minh Chiêu, tỉnh đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Theo đó, Bắc Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 91/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2020 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bắc Giang ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh để xây dựng thành công Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng truyền thông để truyền dẫn, kết nối, triển khai, vận hành tốt hoạt động của chính quyền điện tử và đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bắc Ninh chú trọng triển khai Chính quyền số từ cấp thấp, nhất là cấp xã, phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang Internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số; hoàn thiện hạ tầng 4G, chuẩn bị phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh nhằm đón các làn sóng đầu tư mới vào địa phương.

Bắc Giang cũng tập trung xây dựng các nền tảng dữ liệu, công nghệ mới để triển khai đô thị thông minh toàn diện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng kho dữ liệu mở (Open Data), kết nối dữ liệu của các cấp, ngành tổ chức thành một kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tận dụng tối đa công nghệ số 4.0 để phát triển nền kinh tế số hội nhập và hiện đại; mở rộng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Bắc Giang sẽ bố trí kinh phí (dành ít nhất 1% ngân sách hàng năm của tỉnh chi cho công nghệ thông tin) để đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số và huy động các nguồn lực triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính quyền điện tử; ban hành cơ chế khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn…

Riêng trong năm 2021, Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 90% người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp…

Thời gian qua, Bắc Giang đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, mạng WAN, mạng Truyền số liệu chuyên dùng… từng bước đáp ứng yêu cầu để vận hành các ứng dụng dùng chung của Chính quyền điện tử tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ việc chuyển đổi số của tỉnh được xây dựng.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan, được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và ký số trên phần mềm. Tỉnh đã bước đầu triển khai đạt hiệu quả cao việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 440 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 124.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 830 tỷ đồng.

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm