Bắc Giang chủ động các phương án phòng, chống thiên tai

Bắc Giang chủ động các phương án phòng, chống thiên tai
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm thấp nhất thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn trước. 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; trên 20% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Tỉnh tập trung nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ, đập, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với tác động mới của thiên tai; chủ động cảnh báo, dự báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực xung yếu; trên 20% khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp thiết bị cảnh báo; trên 20% số hộ dân thuộc khu vực nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.

Từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục rà soát, hỗ trợ di dời người dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, sạt lở núi, lũ quét và các nguy cơ thiên tai khác. Tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung “thực thi pháp luật về bảo vệ công trình phòng chống thiên tai” trong xây dựng nông thôn mới; kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời tất cả các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Bắc Giang xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở, nhất là cấp xã; tăng ngân sách đầu tư để tu bổ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng. Tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của đê điều, hồ đập, thiết bị phục vụ cho xả lũ, phương tiện, vật tư dự phòng để chủ động ứng phó khi có sự cố và đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du.

Cùng với đó, Bắc Giang tiếp tục thực hiện Kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh đến năm 2020, tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; gia cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông ở các vị trí đang có diễn biến sạt lở ở tuyến đê Hữu Thương, Tả Cầu thuộc địa bàn huyện Tân Yên, thành phố Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa và huyện Việt Yên; sửa chữa đột xuất các hư hỏng của các cống qua đê, kè bảo vệ đê và cống, đập dâng... của các hồ chứa. Tỉnh sẽ tiếp tục giải tỏa, xóa bỏ các bãi vật liệu ven đê không nằm trong quy hoạch; tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai, đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường, đặc biệt là hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, từ ngày 24 đến ngày 27/1/2020 đã xảy ra mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại một số diện tích hoa màu của các địa phương. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế thời tiết năm 2020 ở nước ta sẽ có nhiều diễn biến bất thường và khó lường, trong điều kiện hiện nay liên tục có các thiên tai cường độ lớn và nguy hiểm, do đó cần phải liên tục theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Năm 2019, thiên tai đã gây ra thiệt hại ước tính trên 45 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Việt Hùng

Có thể bạn quan tâm