Bắc Bộ tăng cường giám sát chặt chẽ dịch hại phát sinh trên lúa

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các tỉnh Bắc Bộ đang là thời tiết có mưa, độ ẩm cao, nên bệnh đạo ôn lá có khả năng phát sinh gây hại tăng trên giống nhiễm, trà sớm.

Bac Bo tang cuong giam sat chat che dich hai phat sinh tren lua hinh anh 1Nông dân huyện Vũ Thư (Thái Bình) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Bệnh đạo ôn dự báo cũng tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên lúa Đông Xuân sớm giai đoạn đẻ nhánh – đẻ nhánh rộ ở các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ. Mức độ hại tăng tại các tỉnh phía Nam khu vực như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh...; nhất là trên các giống nhiễm, ruộng bón thừa phân đạm.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng.

Ngoài ra, các đối tượng như: ốc bươu vàng, chuột, tuyến trùng rễ, bọ trĩ, bệnh nghẹt rễ,... hại tăng trên lúa sạ và lúa cấy, mức độ hại chủ yếu từ nhẹ - trung bình. Sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục hại. Sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành vũ hóa rộ trên lúa Xuân sớm.

Bệnh đạo ôn lá hiện đang phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu…

Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông đang gây hại chủ yếu tại các tỉnh: Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An…

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh Bắc Bộ tăng cường điều tra giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh của bệnh đạo ôn lá. Chủ động phòng trừ nơi có tỷ lệ bệnh hại cao trên các trà lúa sớm, giống nhiễm trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Cùng với đó là tiếp tục điều tra, theo dõi và phòng trừ các đối tượng dịch hại như: rầy nâu, rầy lương trắng, ốc bươu vàng, bọ trĩ, tuyến trùng, bệnh nghẹt rễ trên lúa Đông Xuân ở những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh hại cao. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, diệt chuột; có biện pháp quản lý lúa cỏ (lúa ma) để bảo vệ sản xuất vụ lúa Xuân 2023.

Với các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tăng cường điều tra, chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa trên những diện tích nhiễm bệnh và vùng có nguy cơ cao. Triển khai phòng trừ ốc bươu vàng trên lúa mới gieo – đẻ nhánh tại những vùng có mật độ cao. Duy trì việc diệt chuột đồng loạt tại các tỉnh trong vùng bằng tất cả các biện pháp, chú trọng biện pháp thủ công và sử dụng các loại bả, thuốc sinh học.

Bích Hồng

Tin liên quan

Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng. Gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn. Kiểm tra hạt giống và xử lý giống ở nhiệt độ thích hợp.


Phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

Trước nguy cơ bệnh lùn sọc đen bùng phát, gây hại cho diện tích lúa Mùa, tỉnh Nam Định đã và đang tập trung các giải pháp để phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa.


Các địa phương phòng chống sâu bệnh gây hại trên lúa

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại dịch hại như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, sâu năn (muỗi hành),  đốm nâu… trên lúa có diện tích bị nhiễm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 



Đề xuất