Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác giá trị kinh tế rừng

Minera hot springs Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu du lịch cao cấp khai thác tốt giá trị tự nhiên như cảnh quan rừng, suối khoáng nóng thiên nhiên để tạo ra phân khúc du lịch chất lượng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa ph
Minera hot springs Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu du lịch cao cấp khai thác tốt giá trị tự nhiên như cảnh quan rừng, suối khoáng nóng thiên nhiên để tạo ra phân khúc du lịch chất lượng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa ph

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn từ nay đến năm 2030 và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).

Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác giá trị kinh tế rừng ảnh 1Minera hot springs Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu du lịch cao cấp khai thác tốt giá trị tự nhiên như cảnh quan rừng, suối khoáng nóng thiên nhiên để tạo ra phân khúc du lịch chất lượng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn-TTXVN

Đề án ngoài mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng, tỉnh đặt ra yêu cầu khai thác các giá trị kinh tế rừng để tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách và cải thiện đời sống người dân được đã mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.

Ông Nguyễn Đăng Quan, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu cho biết, hiện nay trên lâm phần Khu bảo tồn đang có 9 dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Các dự án đã ký hợp đồng từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng số tiền các dự án đóng thuế môi trường rừng hằng năm đạt gần 560 triệu đồng.

Trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, đơn vị đặt mục tiêu năm 2021 - 2025 doanh thu dịch vụ môi trường rừng 1,2 tỷ đồng/năm và nâng lên 6 tỷ đồng/năm vào năm 2030.

Để làm được điều này, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã lên kế hoạch và mời gọi các tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, liên doanh thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái ở các khu vực có lợi thế. Ban sẽ ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch, phát triển các khu vui chơi giải trí, phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện với môi trường để tăng cường quảng bá và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch sinh thái tại khu bảo tồn.

Còn ông Nguyễn Duy Bắc, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, tỉnh hiện có hơn 6.500 ha rừng phòng hộ có thể cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Hiện đã có 40 dự án du lịch sinh thái với tổng diện tích gần 2.350 ha; trong đó, 31 dự án diện tích gần 1.850 ha đã được cấp thẩm quyền cho chủ trương và thỏa thuận địa điểm, 9 dự án diện tích gần 515 ha được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được nghiên cứu, lập dự án du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ.

Thời gian tới, Ban Quản lý Rừng phòng hộ sẽ phối hợp cùng các nhà đầu tư xây dựng các tuyến du lịch nội vùng: Tuyến du lịch rừng phòng hộ núi Dinh (thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa); Tuyến du lịch rừng núi Nứa (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu); Tuyến du lịch rừng Sao (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức); Tuyến du lịch rừng núi Minh Đạm (huyện Đất Đỏ, huyện Long Điền); Rừng tái sinh Phước Hội (huyện Đất Đỏ); Rừng phòng hộ xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); Rừng ngập mặn xã Long Sơn (thị xã Phú Mỹ).

Bên cạnh đó, đơn vị cùng các doanh nghiệp phát triển các tuyến đường đi bộ dọc theo đường mòn vào trong khu vực rừng; thiết kế các điểm dừng, điểm quan sát và lắp đặt các bảng diễn giải thiên nhiên trên các tuyến, điểm du lịch để du khách tham quan, ngắm cảnh, khám phá tài nguyên thiên nhiên.

Những năm qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Nhờ đó, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, phong phú.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng cho các chủ rừng từ nay đến 2030 sẽ tạo nên mô hình du lịch mới, du lịch gắn với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Bà Rịa-Vũng Tàu có đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên rừng và biển, các di tích lịch sử văn hóa tại núi Dinh, núi Minh Đạm, nhất là Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu–Phước Bửu - là khu rừng nhiệt đới ven biển duy nhất còn lại tại phía Nam của đất nước, rất thuận lợi để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước góp phần đem lại nguồn thu cho các chủ rừng, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách, tạo việc làm cho người dân địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện khá tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hai chức năng còn lại là phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, hỗ trợ nghiên cứu giáo dục được đánh giá là chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Việc thực hiện hài hòa các chức năng của các Khu bảo tồn, Rừng phòng hộ là điều kiện quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, điều cần thiết hiện nay các chủ rừng cần chủ động trong việc rà soát quy hoạch, lập đề án phát triển du lịch sinh thái tránh ảnh hưởng đến tính đa dạng, tự nhiên, đặc trưng của khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng bảo tồn, tránh tình trạng khi có đơn vị thuê mới tiến hành thực hiện sẽ gây mất thời gian, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Các chủ rừng xây dựng và củng cố các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo tính toàn vẹn, bền vững hệ sinh thái tự nhiên.

Liên kết, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch, giữa các điểm đến, các địa phương là chìa khóa để mở cánh cửa du lịch, giúp du lịch phát triển có chiều sâu và bền vững.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, môi trường du lịch sinh thái của Bà Rịa-Vũng Tàu rất hấp dẫn du khách vì môi trường tự nhiên có rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, khu Ramsar, sông, biển… phù hợp với du lịch sinh thái. Tới đây, Sở Du lịch phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phương án phát triển rừng bền vững cũng như Đề án du lịch sinh thái dưới tán rừng để các nhà đầu tư xây dựng các dự án phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn các sản phẩm du lịch sinh thái.

Sở Du lịch cũng đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp lữ hành, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch xây dựng các tour, tuyến để vừa quảng bá hình ảnh du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu vừa quảng bá các sản phẩm du lịch mới của địa phương và quan trọng nhất làm sao có thể kết nối tất cả các sản phẩm du lịch của tỉnh với nhau để tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú phục vụ hiệu quả nhu cầu của du khách hiện nay.

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trương lựa chọn các nhà đầu tư có tâm huyết, năng lực và kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện loại hình du lịch sinh thái; trong đó, ưu tiên đối với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách quốc tế, nội địa. Một hướng phát triển mới, đa lợi ích đang được mở ra với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Huỳnh Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm