Australia phát hiện loài gấu túi thời tiền sử

Các nhà nghiên cứu tại Australia đã phát hiện răng hóa thạch của một loài gấu túi (koala) từ thời tiền sử, có niên đại cách đây 25 triệu năm, ở vùng hẻo lánh của nước này.

Theo nghiên cứu, do Đại học Flinders công bố ngày 7/9, nghiên cứu sinh đồng thời là tác giả chính Arthur Crichton, cho biết đã phát hiện những chiếc răng hóa thạch tại địa điểm cách thị trấn Alice Springs thuộc Vùng lãnh thổ Bắc Australia 100 km về phía Nam. Phân tích ban đầu cho thấy răng hóa thạch này có niên đại cách đây 25 triệu năm.

Đây là loài gấu túi chưa từng được biết đến. Dựa trên hình răng gai, các nhà khoa học đặt tên loài gấu túi này là Lumakoala blackae, do Luma trong tiếng Latin có nghĩa là cái gai. Theo ông Crichton, loài gấu túi mới này nặng khoảng 2,5 kg, nhỏ hơn nhiều so với một con gấu túi trưởng thành ngày nay có trọng lượng 15 kg, và chủ yếu ăn lá mềm. Ông cho rằng phát hiện này giúp lấp đầy khoảng trống 30 năm trong quá trình tiến hóa của loài thú có túi mang tính biểu tượng của Australia.

Phân tích máy tính về mối quan hệ tiến hóa cho thấy Lumakoala blackae là thành viên hoặc có mối liên quan gần gũi với họ hàng gấu túi, nhưng loài này cũng giống với một số loài thú có túi hóa thạch có niên đại cách đây 55 triệu năm tên là Thylacotinga và Chulpasia được phát hiện ở khu vực Đông Bắc Australia. Trước đây, 2 loài Thylacotinga và Chulpasia được cho là có họ hàng gần với các loài thú có túi ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc phát hiện ra loài Lumakoala blackae cho thấy Thylacotinga và Chulpasia có thể là họ hàng ban đầu của các loài thú có túi ăn cỏ ở Australia như gấu túi, chuột túi.

Ngoài răng hóa thạch của loài gấu túi Lumakoala blackae, các nhà khoa học còn phát hiện răng hóa thạch của 2 loài gấu túi khác là Madakoala và Nimiokoala, sống cùng thời kỳ. Giám đốc Phòng thí nghiệm cổ sinh vật học thuộc Đại học Flinders Gavin Prideaux cho biết đây là lần đầu tiên ghi nhận việc gấu túi xuất hiện ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia.

Trần Quyên

Tin liên quan

Phát hiện hóa thạch các loài cá heo tiền sử tại Thụy Sĩ

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện về các loài cá heo chưa từng được biết đến, tồn tại trong đại dương cách đây 20 triệu năm tại các vùng nước mà hiện nay thuộc lãnh thổ Thụy Sĩ - vốn hiện là quốc gia nằm sâu trong nội địa, không giáp biển. Thế nhưng cách đây rất lâu, Thụy Sĩ từng là một hòn đảo, với phần đất trũng là đại dương với nhiều loài cá, trong đó có cá mập và cá heo sinh sống, trong khi lớp đáy biển phủ đầy các loại trai và nhím biển.


Phát hiện mới về tập tính nuôi con của cá mập lớn nhất đại dương thời tiền sử

Loài cá mập lớn nhất đại dương thời tiền sử thường nuôi dưỡng con ở những vùng nước nông và ấm, nơi có nguồn thức ăn dồi dào và vắng bóng những kẻ săn mồi, cho đến khi cá mập con trưởng thành. Tuy nhiên, khi mực nước biển giảm và Trái đất mát lên, những con cá mập khổng lồ Otodus megalodon dường như đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những vùng trú ẩn để cá mập con có thể trưởng thành an toàn.


Phát hiện hóa thạch rùa khổng lồ thời tiền sử tại Nam Mỹ

Ngày 13/2, nhà chức trách Colombia cho biết một nhóm chuyên gia nghiên cứu Thụy Sĩ vừa phát hiện hóa thạch của một con rùa khổng lồ nặng hơn 1 tấn, có sừng, sống cách đây từ 7-13 triệu năm trước tại hồ và sông nước ngọt ở khu vực Nam Mỹ.


Phát hiện một giống chim mới thời tiền sử

Một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ trường Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan (Canada) và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles (Mỹ) đã phát hiện hóa thạch của một loài chim mới thời tiền sử ở khu vực miền Bắc Myanmar.



Đề xuất