Anh Phạm Văn Hàn mở hướng phát triển kinh tế mới ở vùng cao với nghề nuôi cá quất

Vốn học tập và công tác chuyên ngành thủy sản, anh Phạm Văn Hàn, thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhận ra tiềm năng và giá trị kinh tế rất lớn từ các loại cá sông trong đó có cá quất (còn gọi là cá lăng chấm). Được mệnh danh là "thần tài thủy sản", cá quất sinh sống trong tự nhiên, chủ yếu ở khu vực sông Hồng, giờ đây đã được anh Hàn tiên phong thuần hóa nuôi trong ao thành công, đem lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản ở địa bàn vùng cao Lào Cai.

Anh Pham Van Han mo huong phat trien kinh te moi o vung cao voi nghe nuoi ca quat hinh anh 1Anh Phạm Văn Hàn chế biến thức ăn cho cá. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Anh Hàn luôn tâm niệm, để xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo là chưa đủ. Quan trọng hơn cả là phải tìm hướng đi hiệu quả giúp người dân làm giàu bền vững tại quê hương mình. Anh nhận thấy, đối với địa phương miền núi, địa hình chia cắt, diện tích mặt nước hạn chế như Lào Cai, việc nuôi trồng thâm canh các loại thủy sản giá trị kinh tế cao sẽ mang lại nguồn lợi ổn định hơn cả.

Cá quất là loài cá nước ngọt rất quý hiếm với chất lượng thịt cực kỳ thơm ngon. Ngày nay, cá quất không còn nhiều, chỉ có ở các sông suối miền núi phía Bắc. Mạnh dạn chọn xã Quang Kim, huyện Bát Xát là nơi khởi nghiệp, anh Hàn cho biết, so với các địa phương khác, vùng thấp Quang Kim có diện tích mặt nước sạch lớn với trên 65ha, lưu lượng nước chảy phù hợp với tập tính của các loài cá sông, đặc biệt là loại cá khó tính như cá quất. Tháng 4/2019, anh Hàn bắt tay đầu tư trên 1,5 tỷ đồng mua con giống và 5.000m2 đất. Trong đó, anh cải tạo trên 3.000m2 ruộng trũng thành 4 ao thả cá. Anh xây dựng, đầu tư ao nuôi rất bài bản, khoa học, bờ ao được kè cứng bằng bê tông, mặt ao luôn thoáng đãng. Các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao cá khi đến vụ đánh bắt. Đặc biệt, theo anh Hàn, dòng nước nuôi cá này bắt buộc phải chảy liên tục tránh dư lượng thức ăn trong ao, vì điều này làm mất vệ sinh của ao và có thể gây một số bệnh cho cá.

Vì thời gian nuôi cá quất dài, trung bình từ 2,5 - 3 năm nên anh Hàn chọn đi theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi. Anh nuôi 5.000 con cá quất cùng với 3.000 con chạch chấu, 2.000 con trắm cỏ, cá nheo, rô phi và chép lai, 5.000 con cá lăng đuôi đỏ... để có sản phẩm đánh bắt xen kẽ giữa các vụ thu hoạch. Anh chia sẻ, các loại cá này sinh sống ở các tầng nước khác nhau nên chúng không cạnh tranh nhau về thức ăn, hơn nữa còn tận dụng được nguồn thức ăn và không gian sẵn có, chống chịu tốt với điều kiện môi trường, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Anh Pham Van Han mo huong phat trien kinh te moi o vung cao voi nghe nuoi ca quat hinh anh 2Anh Phạm Văn Hàn cho cá ăn. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Từ kinh nghiệm có được khi làm việc tại Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai, anh Phạm Văn Hàn nắm rõ về kỹ thuật, tập tính của loài cá trong đó có cá quất. Do đó, chỉ sau hơn 2 năm thả nuôi, đàn cá lớn nhanh, đạt 1,6 - 1,8 kg/con. Với mức giá từ 600.000 đồng - 650.000 đồng/kg, năm 2021, trong lứa bán 200kg cá quất đầu tiên, anh thu về trên 120 triệu đồng, trừ chi phí lãi được khoảng 40 triệu đồng. Anh cho biết, dự tính toàn bộ lứa đầu sau khi bán hết có thể thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được 1 tỷ đồng.

Cá quất ăn tạp nhưng ăn rất ít. Thức ăn chủ yếu của chúng là tôm, tép, cá con, đòng đong hay những loại côn trùng nhỏ và sinh vật phù du trên mặt nước, so với thức ăn của cá nước lạnh rẻ hơn và dễ mua nhất là ở những vùng nông thôn. Tuy vậy, việc tìm mua được con giống rất khó khăn do chúng chủ yếu sinh sản trong tự nhiên và thời gian sinh sản ngắn (trong vòng 1 tuần/năm) nên khả năng mở rộng quy mô sản xuất bị hạn chế. Do đó, thay vì mở rộng quy mô nuôi trồng, anh Hàn tập trung vào việc nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.

Cuối năm 2020, anh Phạm Văn Hàn đã thành lập Hợp tác xã Thủy sản An Phong với 9 thành viên và bắt tay vào xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị, đồng thời tư vấn và chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi và phòng dịch bệnh cho bà con để cùng phát triển nghề nuôi cá. Ngay từ ngày đầu thành lập, Hợp tác xã Thủy sản An Phong đã lựa chọn đi theo hướng đi riêng biệt, đó là tạo ra những sản phẩm cá sạch, ngon và tuyệt đối an toàn, nuôi cá sạch theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng cao… Với tổng 2,1ha diện tích mặt nước, Hợp tác xã cho thu hoạch khoảng 20 tấn thủy sản/vụ với doanh thu bình quân 150 - 200 triệu đồng/hộ/vụ.

Anh Pham Van Han mo huong phat trien kinh te moi o vung cao voi nghe nuoi ca quat hinh anh 3Anh Phạm Văn Hàn thu hoạch cá. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Anh Hàn cho biết: "Từ khi xây dựng mô hình, cá quất của Hợp tác xã luôn bán được giá, đầu ra của sản phẩm ổn định, thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lào Cai". Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nguồn vốn vay 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát, anh Phạm Văn Hàn hiện đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá quất và phát triển vùng nuôi.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bát Xát Lục Như Trung, nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới nhưng hiệu quả cao, xã Quang Kim và huyện Bát Xát ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, thủ tục pháp lý xây dựng cá quất trở thành sản phẩm có nguồn gốc, sớm được công nhận và cấp sao OCOP (chương trình "mỗi xã một sản phẩm"). Bên cạnh đó, xã Quang Kim đang tập trung để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá quất của Hợp tác xã An Phong nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, đảm bao thực hiện tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Với say mê khát khao khởi nghiệp cùng hướng đi hiệu quả, mô hình nuôi cá của anh Phạm Văn Hàn hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển, trở thành mô hình tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương, mở ra hướng phát triển thủy sản mới cho người dân nơi đây.

Hương Thu

Tin liên quan

Cá kèo tăng giá, người nuôi lãi đậm

Từ cuối tháng 3 đến nay, giá cá kèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu liên tục tăng cao. Nghề nuôi cá kèo thâm canh tại Bạc Liêu đã phát triển từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ người nuôi lại trúng giá như hiện tại.


Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển thích ứng với biến đổi khí hậu

Sáng 5/8, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh hòa tổ chức diễn đàn khuyến nông chủ đề “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, với sự tham dự đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp và địa phương 5 tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa.


Ông Hà Khắc Sâm - "Vua" cá tầm xứ Thanh

Từ việc bỏ hàng tỷ đồng mở đường, dẫn dòng nước lạnh từ khe suối về để nuôi cá, cũng có thời điểm tưởng chừng trắng tay, do cá bị nước lũ cuốn trôi, nhưng với ý chí, nghị lực quyết tâm, sau 10 năm, ông Hà Khắc Sâm ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã thành công với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi lớn nhất xứ Thanh; doanh thu mỗi năm 2-3 tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.


Hòa Bình phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng

Hòa Bình hiện đang là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng với sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ cũng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.


Anh Phạm Ngọc Thanh thu nhập tiền tỷ từ mô hình nuôi cá tầm

Nhờ sự kiên trì và chịu khó trong công việc, anh Phạm Ngọc Thanh sinh năm 1989, dân tộc Thái, ở xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá Tầm trong nước lạnh cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện trang trại của anh đang nuôi 10 tấn cá với giá xuất bán từ 300.000-350.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng tạo việc làm cho 18 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.


Anh Bùi Chí Nhân thu bạc tỷ từ mô hình nuôi cá linh, tôm càng xanh trong ruộng lúa

Từ 10 ha đất trồng 2 vụ lúa/năm, anh Bùi Chí Nhân ngụ phường An Bình B, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn chuyển sang thực hiện mô hình nuôi cá linh, kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa mùa (giống lúa sống tự nhiên và có đặc tính khi nước lũ dâng đến đâu, thân lúa mọc cao đến đó). Mô hình này giúp anh Bùi Chí Nhân có nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, cao hơn khoảng 4 lần so với chỉ trồng độc canh cây lúa như trước đây.


Lão nông Lý Văn Bon thành công với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch

Tháng 10/2021, ông Lý Văn Bon ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) sẽ góp mặt trong danh sách cùng hàng chục nông dân trên cả nước đón nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc Việt Nam. Nhiều người đã quá quen với lão nông Bảy Bon (tên gọi thân mật) ở cồn Sơn thành công với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.



Đề xuất