Anh Nguyễn Văn Tuấn làm giàu từ mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp

Anh Nguyễn Văn Tuấn làm giàu từ mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp

Bằng ý chí và khát vọng thay đổi cuộc sống, anh Nguyễn Văn Tuấn, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công mô hình “Sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) theo quy mô công nghiệp” để vươn lên thoát nghèo. Hiện cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo của anh Tuấn cho thu nhập 500-600 triệu/năm, tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương 5-7 triệu/người/tháng.

Sinh ra trong gia đình nghèo, học xong Trung học Phổ thông, anh Tuấn đã theo học tại Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi tốt nghiệp, anh đã đi làm thuê nhiều nơi. Trong một lần tham quan một cơ sản xuất Đông trùng hạ thảo tại địa phương khác, anh Tuấn nhận thấy tiềm năng của sản phẩm Đông trùng hạ thảo rất lớn. Trong khi đó, sản phẩm ngoài tự nhiên có giá rất đắt nên rất ít người có thể mua được.

Vì vậy, anh Tuấn đã có ý tưởng thực hiện mô hình sản xuất Đông trùng hạ thảo theo quy mô công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, anh đã tìm hiểu thông tin, cách thức thực hiện thông qua báo, đài, mạng internet. Năm 2017, anh vay mượn tiền của người thân, bạn bè, ngân hàng để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn Đông trùng hạ thảo, đồng thời mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan để phục vụ sản xuất ngay tại nhà.

Khởi đầu gian nan, việc cấy phôi Đông trùng hạ thảo trên Nhộng tằm nhiều lúc thất bại, bởi anh chưa tìm ra cơ chế cho con Nhộng duy trì sự sống. Có lúc những thất bại thiệt hại hơn 200 triệu, anh vẫn kiên trì làm lại. Sau những lần thất bại, anh đã điều chỉnh thay đổi nhiệt độ, cường độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng cho Đông trùng hạ thảo trong phòng nuôi.

Năm 2019, anh mở rộng phòng nuôi với quy mô sản xuất 30.000 bình Đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Cơ sở của anh còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau.

Để sản xuất Đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt, anh Tuấn dùng Nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin được trộn lẫn, nghiền nhỏ và đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau đó được làm nguội, cấy giống và duy trì độ ẩm 95% trong phòng nuôi. Sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng, để trong tối từ 7-10 ngày, khi phôi ăn kín đáy mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 65-70 ngày thu hoạch Đông trùng hạ thảo.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài Đông trùng hạ thảo tươi, anh Tuấn còn đầu tư mua máy sấy lạnh để chế biến Đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong Đông trùng hạ thảo, Đông trùng hạ thảo chưng tổ yến, rượu Đông trùng hạ thảo. Hiện sản phẩm Đông trùng hạ thảo tươi được anh Tuấn bán với giá 200 nghìn đồng/hộp, hộp Đông trùng hạ thảo khô bán giá 750 nghìn đồng/hộp, sản phẩm bán tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Nghệ An và Thanh Hóa. Giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước.

Năm 2020, ba sản phẩm gồm Đông trùng hạ thảo tươi, Đông trùng hạ thảo khô và rượu Đông trùng hạ thảo của anh Tuấn được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa và gắn 3 sao. Hiện anh Tuấn đã mở cửa hàng trưng bày sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo tại tiểu khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn. Đồng thời, anh còn đăng ký để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa với hàng chục sản phẩm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh còn là một đoàn viên gương mẫu, anh luôn cùng các thanh niên khác trên địa bàn tham gia các hoạt động tình nguyện, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, cùng đoàn thị trấn tham ra các hoạt động tuyên truyền về vận động người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Anh Tuấn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất theo quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu Đông Trùng Hạ Thảo sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Đồng thời, anh sẽ hướng dẫn các thanh niên khác trên địa bàn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để cùng vươn lên thoát nghèo.

Chị Dương Thị Thoa, Bí thư Huyện Đoàn Nga Sơn khẳng định: Trên địa bàn huyện Nga Sơn đã xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu. Anh Nguyễn Văn Tuấn là một trong những gương thanh niên truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Thời gian tới, Huyện Đoàn Nga Sơn sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp, các ngành tạo môi trường, động lực cho các bạn đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên, qua đó vươn lên thoát nghèo.

Nhờ những nỗ lực vượt khó, mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp tại Nga Sơn, Thanh Hóa của anh Nguyễn Văn Tuấn đã đoạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2021” và được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về thành tích xuất sắc trong chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Anh còn nhận được nhiều Bằng khen của Huyện Đoàn Nga Sơn, Đoàn thị trấn Nga Sơn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. Đây là thành quả xứng đáng đối với anh sau nhiều năm cố gắng.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm