Anh Lò Văn Thơm đi đầu trong phong trào nông dân phát triển kinh tế

Anh Lò Văn Thơm thu hoạch cam Nà Mòn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Anh Lò Văn Thơm thu hoạch cam Nà Mòn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Anh Lò Văn Thơm, sinh năm 1983, dân tộc Thái, ở bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, là Chủ tịch Hội Nông dân xã có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc Hội, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Anh Lò Văn Thơm đi đầu trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ảnh 1 Anh Lò Văn Thơm thu hoạch cam Nà Mòn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở bản Nà Mòn, xã Mường Và, anh Thơm hiểu rõ cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây. Anh luôn trăn trở tìm cách giúp đỡ nhân dân tìm hướng đi mới để thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Nêu gương cho người dân trong xã, bản, anh Thơm đã đi đầu trong việc chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây cam Nà Mòn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thơm cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân địa phương rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng, tuyến đường từ trung tâm huyện Sốp Cộp đến xã Mường Và cũng được nhựa hóa, người dân trong xã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân; tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

Năm 2014, sau khi được tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả do Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp tổ chức, gia đình anh Thơm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, sang trồng 70 gốc cam Nà Mòn. Với bản tính chịu khó, năng động, ham học hỏi của mình, ngoài những kiến thức có được từ các lớp tập huấn, anh Thơm còn tìm hiểu kỹ thuật trồng cam trên mạng Internet, qua sách báo và một số mô hình hiệu quả khác ở trong và ngoài huyện Sốp Cộp để áp dụng cho chính diện tích trồng cam của gia đình.

Anh Lò Văn Thơm đi đầu trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ảnh 2Anh Lò Văn Thơm lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm thiểu công chăm sóc cây cam. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Về kỹ thuật trồng cam Nà Mòn, anh Thơm chia sẻ: Trước khi trồng, anh bón lót phân chuồng ủ hoại mục, sau đó tưới nước để giữ ẩm và giúp cây nhanh chóng mọc rễ mới. Từ tháng thứ 2, thứ 3, khi cây bắt đầu phát triển, anh Thơm tiến hành bón thúc bằng phân đạm, phân lân để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết. Đến năm thứ 3, cây cam bắt đầu bói quả, thì vào khoảng tháng 6, tháng 7, sẽ bón thêm phân chuồng, phân NPK giúp cây xanh tốt, phát triển chiều cao và giúp kích thích ra hoa, lá, quả. Sau khi thu hoạch xong, bón phân chuồng, đạm, lân giúp cây phục hồi.

Để phòng trừ và hạn chế sâu bệnh, anh Thơm thường xuyên cắt tỉa, tạo tán. Bên cạnh đó, anh chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép. Ngoài ra, thời điểm phun cũng phải phù hợp để cây cam cho năng suất, chất lượng cao, sản phẩm có mẫu mã đẹp, không còn dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 năm, vườn cam Nà Mòn của gia đình anh Thơm bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2019, anh Thơm xuất bán được 3 tấn cam, với giá bình quân 30.000 đồng/kg, thu lãi 90 triệu đồng. Niên vụ 2020, do sản lượng và giá bán cao hơn, anh Thơm thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thơm còn nuôi hàng trăm con gia cầm, hàng chục con gia súc, thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Anh Lò Văn Thơm đi đầu trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ảnh 3Để có thêm thu nhập cho gia đình, anh Thơm còn nuôi hàng trăm con gia cầm, hàng chục con gia súc, qua đó cũng giúp anh thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Được biết, giống cam này có nguồn gốc tại bản Nà Mòn, có nhiều ưu điểm so với cam ở một số địa phương khác, như quả to, mọng nước, vị ngọt, dễ bóc vỏ. Bởi vậy, mấy năm trở lại đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch cam, thương lái từ nhiều nơi đến tận vườn để thu mua. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên lượng cam của gia đình anh Thơm và nhân dân trong xã Mường Và không đủ để cung cấp ra thị trường. Bởi vậy, anh Thơm sẽ mở rộng diện tích trồng cam Nà Mòn lên khoảng 1 ha, đồng thời tiếp tục vận động nhân dân mở rộng thêm diện tích trồng cam, đáp ứng nhu cầu của thì trường.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp Lường Văn Độ cho biết: Anh Lò Văn Thơm là một cán bộ Hội Nông dân năng nổ, nhiệt huyết, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ kỹ thuật trồng cây cam cho nhân dân trong xã và một số vùng lân cận. Nhờ đó, từ mô hình cây cam tự nhiên ban đầu, đến nay, xã đã xây dựng được thương hiệu cam Nà Mòn, với diện tích hàng trăm ha. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, anh Thơm còn tuyên truyền, vận động các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tham gia đóng góp, ủng hộ được 2,8 tỷ đồng, hơn 1.700 ngày công, hiến 7.639 m2 đất làm đường giao thông nông thôn,

Với những nỗ lực, cố gắng trong công việc, cũng như các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, anh Thơm nhiều lần được huyện Sốp Cộp và xã Mường Và biểu dương, khen thưởng, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" giai đoạn 2015 - 2020.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm