Anh Lê Đức Bình khởi nghiệp từ mô hình tận dụng rác thải chế biến tre, luồng để sản xuất than hoạt tính

Anh Lê Đức Bình khởi nghiệp từ mô hình tận dụng rác thải chế biến tre, luồng để sản xuất than hoạt tính
Anh Lê Đức Bình (ngoài cùng bên phải) thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh kiểm tra chất lượng than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Anh Lê Đức Bình (ngoài cùng bên phải) thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh kiểm tra chất lượng than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Bình luôn mong muốn sẽ làm giàu từ cây luồng. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Bình theo học tại Học viện Tài chính (Hà Nội).

Tốt nghiệp đại học, năm 2013, anh quyết định về quê lập nghiệp, thực hiện mô hình phát triển kinh tế trang trại để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vất vả, giá cả bấp bênh, dịch bệnh xảy ra nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao.

Vì vậy, cứ mỗi buổi chiều, anh lại lên mạng tìm tòi và đi các trang trại khác học hỏi kinh nghiệm thực hiện mô hình phát triển kinh tế mới.

Xưởng sản xuất than tre hoạt tính xuất khẩu của anh Lê Đức Bình. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Xưởng sản xuất than tre hoạt tính xuất khẩu của anh Lê Đức Bình.
Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Trong một lần vào thăm xưởng chuyên sản xuất đũa, tăm, anh Bình nhận thấy cây luồng đã tạo ra nhiều sản phẩm như đũa, đồ gia dụng, bàn ghế. Tuy nhiên, mắt luồng, phụ phẩm, rác thải của luồng đều không sử dụng, gây lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường. Do đó anh đã quyết tâm tìm hiểu để tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu từ cây luồng.

Năm 2016, anh Bình đã lên ý tưởng sản xuất than tre hoạt tính. Đây là mô hình tận dụng rác thải từ chế biến tre luồng để sản xuất than hoạt tính. Anh Bình mạnh dạn vay vốn người thân, bạn bè để thực hiện mô hình. Anh thuê nhân công xây dựng dựng nhà xưởng và 2 lò hoạt hóa để sản xuất than, đồng thời mua các dụng cụ phục vụ sản xuất.

Sau đó, anh Bình đã đến các cơ sở sản xuất lâm sản thu mua phế phẩm của tre luồng rồi mang về sử dụng. Để sản xuất ra than hoạt tính, anh Bình cắt phụ phẩm tre và luồng ra từng đoạn rồi cho vào lò hoạt hóa được xây kín bằng gạch, sau đó anh bắt đầu đốt theo công nghệ hoạt hóa, yếm khí. Khi đã đốt trong 1 tuần, anh dập lửa, bịt kín và ủ tiếp trong 8 ngày nữa, đợi khi than chuyển màu đen rồi lấy đóng túi. Các sản phẩm sản xuất ra gồm than dạng mảnh, than dạng ống, than dạng bột. Những loại than tre hoạt hóa này thường dùng để lọc khí, khử từ, khử mùi, chống khí đất và dùng trong ngành xây dựng nhà.

Anh Lê Đức Bình (thứ 2, bên trái vào), thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh kiểm tra chất lượng than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Anh Lê Đức Bình (thứ 2, bên trái vào), thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh kiểm tra chất lượng than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Do sản phẩm chất lượng tốt nên được nhiều tiểu thương nhập về, doanh thu của cơ sở ngày càng tăng cao. Năm 2018, Bình đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Vietnam Charcoal chuyên sản xuất, kinh doanh than hoạt tính. Cũng từ đây, công việc sản xuất kinh doanh của anh thuận lợi, mỗi năm cơ sở của anh sử dụng hơn 240 tấn chất thải rắn là mắt đốt, phế phẩm tre luồng của các xưởng chế biến đũa, tre để tạo ra hơn 72 tấn than hoạt tính. Các sản phẩm than của anh được nhiều tiểu thương ở Sài Gòn, Hà Nội nhập về buôn bán. Anh cũng đã xuất khẩu các sản phẩm này sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mô hình sản xuất than tre hoạt tính của anh Bình đã giành giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên” năm 2018 do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phát động. Để tiếp tục mở rộng sản xuất, thời gian tới, anh Bình mở rộng thêm một xưởng sản xuất, xây thêm 10 lò sản xuất than, qua đó tạo nhiều việc làm cho thanh niên vùng cao. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 400 triệu đồng/năm. Mô hình này tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức lương 4 triệu/người/tháng.

Theo anh Lê Văn Thủy, thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh: Trước đây, anh không có việc làm, từ được nhận vào làm việc tại công ty của anh Bình, với mức lương 4 triệu/tháng, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn.

Than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Than tre hoạt tính mới sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Anh Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh khẳng định: Anh Bình là tấm gương tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn huyện. Anh đã sáng tạo và xây dựng mô hình khởi nghiệp tận dụng rác thải chế biến tre luồng vào sản xuất than hoạt tính xuất khẩu để vươn lên làm giàu. Mô hình này đã tiếp thêm ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo cho nhiều đoàn viên thanh niên đang có ý định phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Thời gian tới, Huyện đoàn Lang Chánh tiếp tục vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của anh Bình. Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm