Anh Kaly Tran góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên

Anh Kaly Tran góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên
Kaly Tran đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm âm nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh, có năng khiếu âm nhạc, hát hay, đàn giỏi, được nhiều nơi mời về cộng tác. Nhưng với đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ, Kaly Tran trở về mảnh đất Kon Tum đại ngàn với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.

Ngoài những  đóng góp vào thành công của Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên được tổ chức tại Kon Tum vào tháng 3/2016, Kaly Tran còn thành lập một ban nhạc truyền thống với sự tham gia của trên trên 100 người nhằm phát triển đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Kaly Tran còn liên kết với nhà trường dạy cồng chiêng trong trường học, mở các lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vào các buổi tối trong tuần cho thanh thiếu niên.
         
Kaly Tran biễu diễn một bản nhạc Tây Nguyên với bộ đàn đá do chính tay anh chế tác. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Kaly Tran biễu diễn một bản nhạc Tây Nguyên với bộ đàn đá do chính tay anh chế tác. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Em Y Trang, dân tộc Ba Na, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, thành phố Kon Tum cho biết: “Em theo học đàn T’Rưng của thầy Kaly Tran dạy được hơn 1 năm rồi. Em đã biết đánh một số bài và trình diễn trong các buổi giao lưu văn nghệ của trường, của làng tổ chức. Em học đàn T’Rưng vì yêu văn hóa dân tộc Ba Na, em muốn góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình”.
         
Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều đợt cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia trình diễn văn hóa truyền thống, phổ biến tri thức văn hóa của các dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh cùng nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài.

Hiện tỉnh có 43 nghệ nhân ưu tú góp phần quảng bá về văn hóa, hình ảnh đất và người Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc truyền dạy các thể loại văn hóa phi vật thể cho thanh thiếu niên trên địa bàn Kon Tum được các cơ quan chức năng rất chú trọng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa địa phương. Ngoài việc đưa một số bộ môn vào truyền dạy trong nhà trường, các lớp phong trào của Kaly Tran cũng đã góp phần gìn giữ, bảo tồn được các nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh.
         
Với sự chung tay của các ban ngành chức năng cùng những người làm công tác phong trào, tin rằng phong trào thể thao, văn hóa của tỉnh sẽ có những khởi sắc; đồng thời, bảo tồn và phát huy được những nét đặc sắc về văn hóa của mảnh đất Kon Tum đại ngàn.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm