Anh Đoàn Văn Công nuôi dê Boer nhốt chuồng có hiệu quả kinh tế cao

Anh Đoàn Văn Công nuôi dê Boer nhốt chuồng có hiệu quả kinh tế cao

Thay vì sử dụng phương pháp chăn nuôi dê theo hình thức cũ là chăn thả, anh Đoàn Văn Công ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thành công mô hình nuôi dê Boer nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Đoàn Văn Công nuôi dê Boer nhốt chuồng có hiệu quả kinh tế cao ảnh 1Anh Đoàn Văn Công chăm sóc đàn dê của mình. Ảnh: danviet.vn

Hiện thu nhập bình quân của anh đạt 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, thịt dê anh bán với giá 120.000 đồng/kg, nhiều tiểu thương ở các tỉnh như Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội đã tìm về trang trại của anh để mua.

Anh Đoàn Văn Công cho biết, do nhà nghèo, khi học xong cấp 3 anh đi làm thuê ở các tỉnh miền Bắc, thế nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ chi tiêu cho gia đình. Trong một lần tình cờ, anh được tham quan mô hình nuôi dê Boer lai đang được thị trường ưa chuộng, sau khi về anh đã nghiên cứu để thực hiện theo.

Năm 2019, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi cách thức chăn nuôi qua sách báo, anh Công quyết định về quê nhà lập nghiệp, anh vay vốn người thân thuê đất tại xã Tuy Lộc (huyện Hậu Lộc) và xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi dê Boer nhốt chuồng. Ban đầu, anh chỉ mua 100 con dê Boer giống, mỗi con nặng khoảng 20 kg với giá 3 triệu đồng/con để nuôi sinh sản.

Khi mới vào nghề anh gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên đàn dê phát triển chậm và hay bị bệnh, thỉnh thoảng lại có con dê bị chết khiến nhiều lúc anh lo sẽ mất trắng. Tuy nhiên, anh Công không nản chí và luôn tìm hiểu phương án mới qua các diễn đàn nuôi dê, rồi trực tiếp đến các cơ sở chăn nuôi lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Công quyết định xây dựng lại hệ thống chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Do dê vốn là loài ăn tạp lại ít bệnh tật nên anh làm chuồng trại cao ráo, bảo đảm vệ sinh, che chắn cho dê vào mùa đông và tiêm định kỳ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, anh thực hiện cách thức nuôi trên chuồng sàn, bề mặt sàn cách mặt đất khoảng 1 mét để giữ độ thông thoáng, dễ vệ sinh, máng ăn được anh làm sạch sau khi cho ăn và thường xuyên phun tiêu độc khử trùng. Thức ăn cho Boer lai bao gồm rau, cỏ, cám, ngô và sắn, mỗi ngày anh cho dê ăn 3 lần.

Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho trại dê, anh Công thuê lại đất của người dân các vùng lân cận với diện tích hơn 3 ha để trồng cỏ voi và cỏ sả, các giống cỏ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị với dê, nhất là khi trộn thêm các phụ phẩm như ngô, cám. Đồng thời, khi vào vụ thu hoạch ngô của bà con, anh cũng tận dụng mua lại thân và lá ngô về băm nhỏ cho dê ăn, với cách làm này sẽ không lo thiếu thức ăn cho dê vào mùa khô.

Nhờ chịu khó trong sản xuất, từ một người chưa hề biết gì về loại vật nuôi này, đến nay anh Công đã nắm được nhiều bí quyết như một chuyên gia nuôi dê và một trang trại có quy mô lớn nhất địa phương. Hiện trang trại của anh đang nuôi 500 - 600 con dê thương phẩm, hầu hết là giống dê Boer lai lấy thịt, dê con sau 5 tháng chăm sóc đạt 40 kg sẽ cho xuất chuồng, mỗi năm trang trại của anh xuất bán 2 đợt với hàng trăm con dê thịt.

Thời gian tới, anh Công cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để đáp ứng đủ số lượng dê thương phẩm xuất ra thị trường. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân quanh vùng đang muốn khởi nghiệp từ mô hình này.

Theo ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết, với ý chí và nghị lực, dám nghĩ dám làm, anh Đoàn Văn Công đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê Boer lai, đây là một trong những mô hình tiêu biểu và có triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này ra địa bàn để các hộ dân thực hiện theo, từ đó tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm