“Anh Đoan từ thiện”

“Anh Đoan từ thiện”
Làm giàu từ cây cao su

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lúa Thái Bình, năm 20 tuổi, Ngô Công Đoan lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh vào làm công nhân quốc phòng tại Binh đoàn 15, Quân khu 5. Do nhiều năm đã gắn bó với Tây Nguyên, năm 1991, gia đình anh chuyển đến sinh sống tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, một huyện biên giới của tỉnh Gia Lai. 

Rời quân ngũ trở về đời thường, những năm đầu, đời sống gia đình anh Đoan gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải vất vả vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó cùng ý chí vươn lên của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã quyết tâm ở lại lập nghiệp trên vùng đất đỏ ba zan của Tây Nguyên, vốn là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, đời sống nhân dân khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… 

“Anh Đoan từ thiện” ảnh 1
Trang trại tiêu do tự tay anh Đoan trồng. Ảnh: Báo Gia Lai
Với sự động viên, cổ vũ của bạn bè, đồng đội, chính quyền địa phương, gia đình anh đã lựa chọn mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi và trồng trọt. Ban đầu, anh trồng lúa, ngô, đậu và chăn nuôi để tạo tiền đề từng bước phát triển cây cao su, cà phê, hồ tiêu và sau một thời gian đã có thành công bước đầu. Sau đó, anh đã chuyển sang phát triển kinh tế với hình thức trang trại kết hợp với kinh doanh, xây dựng Công ty TNHH Thương Mại Công Nam. 

“Hiện nay, công ty đang sử dụng hàng trăm lao động địa phương, trong đó 30% lao động tại công ty là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh với nguồn thu nhập bình quân 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, góp phần giúp xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”, anh Đoan cho biết.

Với những thành tích đạt được trong các năm qua, cựu chiến binh Ngô Công Đoan đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015); được tặng 21 Bằng khen, 21 Giấy khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Thuế, Hiệp hội Doanh nhân CCB VIệt Nam, Hội CCB tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh Gia Lai.
Đến nay, kinh tế của gia đình anh đã phát triển với quy mô 40 ha cao su đang khai thác, 20.000 trụ tiêu kinh doanh, doanh thu hàng năm từ 9 - 10 tỷ đồng. Năm 2011, gia đình anh vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng danh hiệu “Đạt trong tốp 10 trang trại vàng Việt Nam ”. 

Từ năm 2009 đến nay, cựu chiến binh Ngô Công Đoan được bầu làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ “CCB sản xuất - kinh doanh giỏi” của tỉnh hội Gia Lai. Đến nay, mô hình này đã nhân rộng trên 14/17 huyện với 850 hội viên tham gia. Các câu lạc bộ này đã tích cực ủng hộ, đóng góp tài chính, vật chất vào các hoạt động để xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông nông thôn, kéo đường điện vào các thôn làng, giúp nhau vốn làm kinh tế không tính lãi suất, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, ủng hộ biển đảo…

Trong 2 năm 2013 - 2014 được Thường trực Hội CCB tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ giúp Hội CCB tỉnh Rattanakiri (Campuchia) phát triển kinh tế hộ gia đình theo văn bản đã ký kết giữa hai hội, anh đã trực tiếp sang hướng dẫn tư vấn giúp nước bạn kỹ thuật làm đất, làm trụ, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây Hồ tiêu. Đến nay, Hội CCB tỉnh Rattanakiri đã trồng được 20.000 trụ tiêu, đang phát triển tốt, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai Hội CCB và nhân dân hai tỉnh Gia Lai - Rattannakiri và hữu nghị hai nước.

Tấm lòng thiện nguyện

Luôn nhận thức rằng, bản thân và gia đình có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, công lao của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, anh luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Năm 2007 gia đình anh đã tình nguyện nuôi mẹ liệt sĩ Rơ Me ở làng Le, xã Ia Krê (Đức Cơ, Gia Lai) không nơi nương tựa đến suốt đời. Hằng ngày anh và gia đình thường xuyên lui tới chăm sóc mẹ, sửa chữa nhà cửa để mẹ có chỗ nằm, chỗ ở ấm cúng chăm lo cuộc sống sinh hoạt cho mẹ đầy đủ.

Năm 2015 gia đình anh lại nhận nuôi cháu gái Ksor HPhước bị nhiễm chất độc da cam điôxin đến suốt đời. Ngoài ra, gia đình anh còn đặt “tủ từ thiện” tại nhà hàng, động viên bà con, bạn bè ủng hộ vào tủ, hàng tháng Hội Chữ thập đỏ huyện thu về quỹ làm từ thiện của huyện, mỗi tháng cũng thu được từ 500.000 đến 1 triệu đồng . 

Từ năm 2009 đến nay, anh đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, giúp đỡ các gia đình chính sách như hỗ trợ 215 hộ mua 280 tấn phân bón các loại để đầu tư sản xuất trị giá hơn 1 tỷ đồng. Xây dựng hệ thống bể lọc và ống dẫn nước để 24 hộ đồng bào làng bệnh phong được sử dụng nước sạch. Dịp Tết hàng năm, gia đình anh lại sắm quà biếu tặng bà con ở đây. Dân làng rất phấn khởi, coi gia đình anh Đoan như những người thân thiết của họ.

Không chỉ có vậy, mỗi năm, cựu chiến binh Ngô Công Đoan đều xây một căn nhà tình nghĩa, tình thương (đến nay đã xây dựng được 8 căn nhà); ủng hộ quỹ chất độc da cam/điôxin và hội viên bị phơi nhiễm chất độc da cam, ủng hộ ngân hàng bò, đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, ủng hộ các xã biên giới, ủng hộ các hộ nghèo và bộ đội biên phòng ăn Tết, ủng hộ luyện tập dân quân tự vệ địa phương… trị giá hàng tỷ đồng. 

Năm 2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Gia Lai được phép xây dựng nhà giải độc cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Nguồn vốn xây dựng một phần được tỉnh đầu tư, một phần vận động bằng nguồn vốn xã hội hóa. Cùng với số tiền 100 triệu đồng của gia đình ủng hộ, anh cùng các đồng đội trong Hội CCB đã kêu gọi ủng hộ được 300 triệu đồng. Đến nay nhà giải độc đã đi vào hoạt động, góp phần giúp cho các nạn nhân giảm đau đớn vì bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. 
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm