Anh Đỗ Văn Dũng thành tỷ phú nhờ nuôi con “đặc sản” núi rừng

Anh Đỗ Văn Dũng giới thiệu sản phẩm dúi nuôi của trang trại. Ảnh: Quang Cường - TTXVN
Anh Đỗ Văn Dũng giới thiệu sản phẩm dúi nuôi của trang trại. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Sau nhiều lần xoay xở tìm kiếm giống vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế nhưng không thành công, năm 2010, anh Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1975), thôn Ao Búc, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi dúi và cầy thương phẩm - một loại “đặc sản” núi rừng. Suy nghĩ táo bạo cùng sự quyết tâm, đến nay anh Dũng đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi của mình.

Anh Đỗ Văn Dũng thành tỷ phú nhờ nuôi con “đặc sản” núi rừng ảnh 1 Anh Đỗ Văn Dũng giới thiệu sản phẩm dúi nuôi của trang trại. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Khoảng 10 năm trước, từ một chuyến đi Hà Giang thăm người thân, anh Đỗ Văn Dũng thấy nhiều người đi rừng bắt được những con dúi đứng bán ven đường. Anh nảy ra ý tưởng mua những con dúi về nuôi thương phẩm để phát triển kinh tế. Nghĩ là làm, anh Dũng đã tìm đến một số hộ nuôi dúi nhỏ lẻ ở Hà Giang để mua dúi giống về nuôi, ấp ủ ước mơ làm giàu.

Khi bắt tay vào nuôi dúi, do chưa có kinh nghiệm nên đàn dúi không những không lớn mà chết dần do bị bệnh. Thấy vậy, người thân khuyên anh bỏ ngay ý định gàn dở song anh đều gạt đi, vẫn nung nấu quyết tâm nuôi thành công loài vật chỉ sống ở trên rừng này. Anh Dũng chia sẻ, sau lần đầu thất bại, anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu tập tính, chế độ dinh dưỡng, cũng như cách loại bệnh thường gặp ở loài dúi qua tư liệu và thông tin trên mạng internet. Anh mạnh dạn dồn hết số tiền hiện có và vay mượn thêm, một lần nữa ngược lên vùng biên giới tìm mua dúi giống.

Từ hơn 10 đôi dúi giống ban đầu, đến nay anh Dũng đã có gần 8.000 con dúi các loại, trở thành trại dúi lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Anh Dũng cho biết, qua thực tế nuôi dúi hơn chục năm anh rút ra kinh nghiệm, để dúi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, cần đầu tư chuồng trại thoáng mát, khô ráo, thức ăn sạch, hạn chế hiện tượng dúi bị đau bụng, đi ngoài. Chi phí thức ăn cho dúi rất thấp, chủ yếu là các loại cây như tre, mía, ngô, cỏ voi...

Thành công từ nuôi dúi, anh Dũng và anh em trong gia đình đã góp vốn xây dựng thêm 2 trại nuôi dúi, 2 trại nuôi cầy mốc thương phẩm với hơn 800 con. Mỗi năm, gia đình anh Dũng xuất bán từ 10-12 tấn dúi, cầy mốc thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn lớn ở trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập gần 20 tỷ đồng.

Anh Dũng cho biết, trong quá trình nuôi và xuất bán “đặc sản” đều có xác nhận của lực lượng chức năng về nguồn gốc vật nuôi, kiểm định dịch bệnh. Do vậy, sản phẩm của trang trại nuôi đến đâu bán hết đến đó, giá luôn cao. Trung bình hiện nay, giá dúi thịt gia đình anh bán từ 600- 650 nghìn đồng/kg, giá cầy mốc từ 2 - 2,5 triệu đồng/kg. Ngoài ra, anh còn xuất bán con giống cho những người có nhu cầu mua về nuôi.

Trại nuôi dúi và cầy mốc của gia đình anh Dũng đã tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động đã vươn lên thoát nghèo.

Anh Đỗ Văn Dũng thành tỷ phú nhờ nuôi con “đặc sản” núi rừng ảnh 2 Anh Đỗ Văn Dũng chăm sóc đàn dúi. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Anh Nguyễn Văn Khoa, thôn Đa Thọ, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương chia sẻ, trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn. Từ khi làm việc tại trại dúi, anh được nhận 15 triệu đồng tiền lương mỗi tháng đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn. Công việc tại trại dúi cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của anh.

Ngoài tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, anh Dũng tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, cho biết mô hình nuôi dúi của anh Dũng đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ có hướng xây dựng mô hình trên thành địa chỉ để nhân dân đến học tập, tham quan, từ đó nhân rộng, phát triển mô hình này nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo ở địa phương.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Đỗ Văn Dũng đã trở thành điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” của địa phương.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm