Anh Châu Văn Hồng khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi lươn trên vùng kiểm soát lũ

Anh Châu Văn Hồng, ấp Cầu Dừa (xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) kiểm tra các bể xi măng nuôi lươn không bùn của gia đình. Nguồn: danviet.vn
Anh Châu Văn Hồng, ấp Cầu Dừa (xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) kiểm tra các bể xi măng nuôi lươn không bùn của gia đình. Nguồn: danviet.vn

Cư ngụ tại ấp Cầu Dừa, xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), gia đình anh Châu Văn Hồng trước đây thuộc diện hộ nghèo, đất hẹp. Nhà anh gồm 3 nhân khẩu nhưng chỉ vỏn vẹn cò 500 m2 đất canh tác (nửa công đất). Tìm hướng đi mới để khởi nghiệp, ổn định đời sống luôn là mối quan tâm đau đáu của gia đình anh. Do vậy, việc đến với nghề nuôi lươn là một cơ duyên tạo dựng cơ nghiệp thành công của người nông dân ham học hỏi, biết chủ động đón thời cơ khi đất nước đang mạnh bước trên con đường đổi mới và hội nhập.

Anh Châu Văn Hồng nhớ lại, thời điểm năm 2015, anh được tham dự lớp dạy nghề sản xuất lươn giống do Hội Nông dân kết hợp Phòng Kinh tế thị xã và các ngành hữu quan tổ chức. Kiến thức từ lớp học cùng những chia sẻ kinh nghiệm của những nông dân đi trước giúp anh nắm vững quy trình chăm sóc, nuôi lươn thịt và lươn sinh sản thương phẩm. Đồng thời, nhận thấy đầu ra của nghề nuôi lươn thịt và lươn sinh sản hấp dẫn, hứa hẹn mang lại thu nhập cao, anh đầu tư vốn liếng, xây cất bể nuôi lươn thịt, lươn sinh sản trên 500 m2 đất nhà. Đây là mô hình nuôi lươn theo kỹ thuật nuôi lươn không bùn - một kỹ thuật mới, hiệu quả cao.

Anh Châu Văn Hồng khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi lươn trên vùng kiểm soát lũ ảnh 1Anh Châu Văn Hồng, ấp Cầu Dừa (xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) kiểm tra các bể xi măng nuôi lươn không bùn của gia đình. Nguồn: danviet.vn

Cụ thể, anh Châu Văn Hồng xây 10 bể nuôi lươn sinh sản, mỗi bể 14 m2 thả được 40 con lươn bố mẹ. Qua theo dõi, trong năm có đến 10 tháng lươn sinh sản. Mỗi bể, thu được từ 500 đến 1.000 con lươn bột/tháng. Lươn bột chăm sóc trong khoảng 3 tháng có thể xuất bán con giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong nhân dân. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/con giống, mỗi năm gia đình anh Hồng thu lãi ròng 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh còn xây 35 bể nuôi lươn thịt cung ứng cho nhu cầu thị trường. Quy cách mỗi bể nuôi lươn thịt có chiều rộng 1,2 m và chiều dài 2,4 m, thả nuôi được từ 500 đến 800 con lươn giống. Sau thời gian nuôi 8 tháng, anh thu hoạch được bình quân từ 120 kg đến 160 kg lươn thịt, giá bán dao động từ 170.000 đồng đến 190.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 550 triệu đồng/năm. Anh Châu Văn Hồng tính chung hai khoản thu nhập từ nuôi lươn sinh sản và lươn thịt, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 800 triệu đồng.

Hiện nay, anh Châu Văn Hồng là địa chỉ cung cấp lươn giống, lươn thịt lớn nhất các huyện, thị nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước.

Nói về sự khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi lươn sinh sản và lươn thịt, anh Châu Văn Hồng cho biết, nhờ chuyên tâm với nghề mới, gia đình anh hiện có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học và xây cất nhà cửa khang trang, có của ăn của để. Đồng thời, anh còn có điều kiện giúp đỡ hộ nghèo khó trong xóm ấp, chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Mỹ Phước Tây thông qua những việc làm thiết thực, hiệu quả; góp phần đắc lực vào việc tạo diện mạo mới cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Anh Hồng đã chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, lươn thịt cho khoảng 30 hộ dân ấp Cầu Dừa, xã Mỹ Phước Tây; giúp đỡ con giống cho 3 hộ nghèo để phát triển nghề nuôi lươn thịt ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới do Đảng, Nhà nước phát động, anh Châu Văn Hồng đã góp hàng chục triệu đồng và vận động nhân dân trong ấp chung sức cùng nhà nước nâng cấp, mở rộng con đường Tây rạch Cầu Dừa dài 2.700 m phục vụ giao thương, đi lại. Từ đó, xã Mỹ Phước Tây ra mắt xã nông thôn mới thành công và năm vừa qua, thị xã Cai Lậy được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), mô hình nuôi lươn thịt, lươn sinh sản dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện những hộ ít đất lại nhạy bén tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi sản xuất thành công như anh Châu Văn Hồng. Hiện nay, thông qua mô hình mà anh Châu Văn Hồng là hạt nhân, phong trào nuôi lươn sinh sản, lươn thịt đang phát triển mạnh ở những địa bàn thuần nông thuộc vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang như: Mỹ Phước Tây (thị xã Cai Lậy), Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy),…thiết thực giúp nông dân phá thế độc canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi làm giàu vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng phục vụ thị trường.

Với những đóng góp xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp của nông dân, năm 2020, anh Châu Văn Hồng được vinh danh nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm