An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2

An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2

Bài 2: Xây dựng vùng chiến khu nghĩa tình và phát triển

Tiếp nối “huyền thoại” của chiến khu An Phú Đông năm xưa, phường An Phú Đông (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, xứng đáng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những năm gần đây, vùng đất này được đầu tư mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả nổi bật.

An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2 ảnh 1Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của các thế hệ đi trước, cũng vừa là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Nơi lưu giữ truyền thống An Phú Đông

Sau khi thành lập Quận 12, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và tâm nguyện của nhiều lão thành cách mạng, Đảng bộ Quận 12 quyết định xây dựng Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông, một trong những công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ Quận 12 nhiệm kỳ II (2001 - 2005). Đây là công trình để ghi nhận công lao to lớn của quân và dân vùng chiến khu xưa, tri ân của các thế hệ hôm nay với những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống tại vùng đất này.

Công trình vừa là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của các thế hệ đi trước, cũng vừa là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình có tổng diện tích 2,5 ha với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, được khánh thành vào năm 2006.

Bên trong Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông là phòng trưng bày được bố trí với bố cục gồm 3 phần chính gồm “Hào hùng truyền thống Chiến khu An Phú Đông”, “Nghĩa tình An Phú Đông”, “An Phú Đông ngày nay” cùng nhiều hiện vật trưng bày được phục chế, đạn thần công… giúp tái hiện lại quá trình sống và chiến đấu của bộ đội địa phương và dân quân du kích trong chiến trường xưa.

An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2 ảnh 2Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, giúp người dân An Phú Đông đi lại thuận tiện, lưu thông hàng hóa ngày càng phát triển. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Ngày nay, Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quận 12 mà nơi đây còn là địa điểm học tập lịch sử của học sinh, sinh viên trong và ngoài quận. Các câu chuyện lịch sử được thuyết minh viên tái hiện một cách sinh động làm cho khách tham quan như được ngược dòng thời gian, sống lại cùng với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Tại buổi họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông đầu năm 2020, Bí thư Quận ủy Quận 12 Trần Hoàng Danh khẳng định: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Quận 12 luôn phát huy truyền thống vùng Chiến khu An Phú Đông năm xưa, ra sức phấn đấu phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tạo bộ mặt đô thị mới trên quê hương An Phú Đông - Vườn Cau đỏ anh hùng. Sau hơn 20 năm thành lập Quận 12, với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương, đã từng ngày tạo nên sự “thay da đổi thịt” trên vùng chiến khu xưa.

Tạo đà phát triển vùng chiến khu

Qua hai cuộc kháng chiến, Chiến khu An Phú Đông có 787 hộ gia đình có công với cách mạng, được tặng thưởng 680 huân huy chương các loại, có 17 Mẹ Việt Nam anh hùng, 516 liệt sĩ, 760 lượt cán bộ chiến sĩ bị bắt và tù đày. Ngày 29/1/1996, nhân dân An Phú Đông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Tại phường An Phú Đông, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã phát huy truyền thống chiến khu An Phú Đông, sức mạnh khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người có công, gia đình chính sách tại địa phương.

An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2 ảnh 3Cầu thép An Phú Đông dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2020, kết nối với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo động lực phát triển cho vùng chiến khu An Phú Đông. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Theo ông Phan Văn Nam, Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông, địa phương đã thực hiện hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Phường An Phú Đông có 291 hộ diện chính sách, có công, gia đình thờ cúng liệt sĩ, con liệt sĩ. Đến nay, địa phương không có hộ chính sách, gia đình có công thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn thành phố.

Nhiều năm qua, Đảng ủy phường đã triển khai xuống các chi bộ tăng cường chăm lo cho gia đình chính sách, có công. Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông Phan Văn Nam cho biết, ngoài chế độ, chính sách chung của nhà nước, các chi bộ vận động nguồn lực xã hội để mỗi tháng hỗ trợ cho các hộ chính sách khoản tiền 300.000 - 500.000 đồng. Tuy không quá lớn, nhưng đây là nỗ lực của địa phương trong công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của vùng đất chiến khu Anh hùng.

Không chỉ làm tốt công tác an sinh xã hội, phường An Phú Đông cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo sức bật để phát triển vùng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng “Thương mại dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp đô thị”, phường tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển, số lượng các doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu năm 2015 chỉ có 278 doanh nghiệp và 508 hộ kinh doanh cá thể, thì đến nay An Phú Đông đã có 1.017 doanh nghiệp và 1.875 hộ kinh doanh cá thể.

Theo UBND phường An Phú Đông, hiện địa phương đang đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả sẵn có, tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang nông nghiệp đô thị, dịch vụ; khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện phát triển, chuyển đổi thành loại hình công ty, doanh nghiệp tư nhân… cũng như tạo điều vay vốn phát triển, mở rộng quy mô. Phường đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cấp các tuyến hẻm, tuyến đường kết nối giao thông để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư từ đó thu hút lao động tại chỗ.

Hiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và số hộ dân sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, công tác hỗ trợ nông dân mở rộng, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với phát triển đô thị được thực hiện tốt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị và nông nghiệp truyền thống tiếp tục được duy trì chủ yếu là các mô hình trồng mai ghép, trồng hoa lan, kiểng lá, rau thủy canh.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, phường An Phú Đông đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng 13 công trình đê bao kết hợp giao thông với kinh phí 133 tỷ đồng; các công trình Cầu Lớn, cầu Rạch Trâm, cống hộp cầu Thầu Tư, đường APĐ-09, APĐ-25, nâng cấp sửa chữa các trường học, di tích trên địa bàn… Địa phương đã vận động nhân dân xã hội hóa đường giao thông, thoát được hơn 16km, vượt xa chỉ tiêu 7km của nhiệm kỳ 2015- 2020.

Đầu năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng cầu thép An Phú Đông, thay thế bến phà hiện nay, nối phường An Phú Đông với trung tâm quận Gò Vấp. Dự kiến trong tháng 10/2020, cây cầu này sẽ được đưa vào khai thác, tạo động lực mới cho vùng đất chiến khu xưa.

Ông Phan Văn Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay, dân số tại phường An Phú Đông tăng mạnh với số lượng khoảng 50.000 dân hiện nay. Trong 3 năm trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 12 đầu tư nhiều công trình hạ tầng như các tuyến đường, trường học, trạm y tế… đã thu hút người dân đến sinh sống, chọn vùng đất An Phú Đông để định cư.

An Phú Đông - chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định - Bài 2 ảnh 4Một góc Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Với sự quan tâm và đầu tư mạnh thời gian qua, An Phú Đông ngày càng phát triển mạnh và địa phương đang nỗ lực xây dựng vùng chiến khu xưa trở thành nơi “đất lành chim đậu”, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội, nghĩa tình vùng Chiến khu An Phú Đông “bất tử”./. (Hết)

Tiến Lực - Thành Chung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm