Ẩn họa từ việc sưởi ấm bằng than củi tránh rét ở vùng cao

Trong những ngày qua, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang rét đậm, rét hại, người dân vùng cao Lào Cai phải tăng cường các biện pháp phòng, chống rét. Tuy nhiên, tại một số địa phương điều kiện kinh tế khó khăn, vào những ngày giá rét, người dân vẫn đang sử dụng các biện pháp như đốt than, đốt củi sưởi ấm trong nhà. Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ mà còn đe dọa tới sức khỏe người dân nếu các biện pháp đảm bảo an toàn không được tính đến.

Những ngày giá rét đầu tháng 1/2021, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai đã tiếp nhận 2 ca bệnh nhi bị bỏng lửa do gia đình đốt than, củi sưởi ấm. Trường hợp thứ nhất là bé M.B.Tr (11 tháng tuổi, thường trú tại thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai), nhập viện ngày 7/1/2021 trong tình trạng quấy khóc; da vùng mặt, bàn tay trái có nhiều nốt phỏng nước và vết trợt… Theo lời kể của gia đình, trẻ được mẹ cho ngồi ghế sưởi ấm, trong lúc mẹ đi lấy nước không để ý, cháu bị ngã, vùng mặt tiếp xúc trực tiếp vào chậu than đang sưởi. Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán bị bỏng độ II, diện tích 5%.

Trường hợp thứ hai là bé H.A.H (sinh ngày 31/8/2020, trú tại thôn Na Pá, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai), nhập viện ngày 9/1/2021 trong tình trạng quấy khóc, toàn bộ da vùng mặt có nhiều phỏng nước và vết trợt, chẩn đoán bỏng độ II, diện tích 6%, giai đoạn sốc bỏng. Nguyên nhân bị bỏng là do bé được mẹ tắm gần bếp củi để sưởi ấm, sau tắm, mẹ đưa bé cho con gái lớn bế để mẹ đi lấy quần áo mặc cho bé. Trong khoảng thời gian này, người chị bế em bị ngã, làm vùng mặt của bé H tiếp xúc trực tiếp với bếp củi đang sưởi.

Hiện tại, hai trẻ này đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai, bước đầu sức khỏe đã ổn định, các nốt bỏng đã khô dần, các bé đỡ quấy khóc và bú mẹ được.

An hoa tu viec suoi am bang than cui tranh ret o vung cao hinh anh 1Căn nhà của gia đình bà Thào Thị Cá, ở thôn Hấu Dào, xã Bản Phố (Bắc Hà) bị thiêu rụi do đốt rơm sưởi ấm. Ảnh: baolaocai.vn

Cũng do thời tiết giá lạnh, mới đây vì đốt rơm sưởi ấm, "bà hỏa" đã bén lửa thiêu rụi căn nhà của gia đình bà Thào Thị Cá, thôn Hấu Dào, xã Bản Phố (Bắc Hà). Tại hiện trường, ngôi nhà của gia đình bà Thào Thị Cá đã bị thiêu rụi 2/3 cột, xà nhà và mái fibro xi măng cùng nhiều vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lãnh đạo UBND và các đoàn thể huyện Bắc Hà đã thành lập đoàn công tác đến thăm, động viên gia đình bà Cá vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời, trao 17 triệu đồng hỗ trợ gia đình sớm ổn định cuộc sống, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng động viên, hỗ trợ kinh phí và nhân lực để giúp gia đình bà Thào Thị Cá nhanh chóng khắc phục thiệt hại do hỏa hoạn.

Trước sự việc trên, bà Hà Thị Hường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai cho biết, đơn vị đã gửi công văn đến các xã, thôn lưu ý người dân có các biện pháp phòng tránh rét đảm bảo an toàn cho người đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và hướng dẫn các biện pháp sơ cứu ban đầu nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Theo bà Hà Thị Hường, người dân vùng cao hay có thói quen đun củi, đốt than sưởi ấm. Ngành Y tế Lào Cai đã khuyến cáo tới người dân không dùng bếp than, củi để sưởi ấm trong nhà, phòng kín đề phòng các hiểm họa do than, củi gây ra. Người dân có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo ấm, đội mũ và mang tất. Tuyệt đối không để trẻ nằm, ngồi hoặc chơi gần than vì dễ gây bỏng. Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than củi để sưởi thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Đặc biệt, người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng.

Ngay khi bước vào mùa rét năm 2020-2021, Sở Y tế Lào Cai đã có công văn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống rét, đặc biệt là các đối tượng người già, trẻ nhỏ, học sinh; khuyến cáo người dân không đốt củi, đốt than đá sưởi ấm, tránh sự cố cháy và khói độc; thực hiện hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, đề phòng các biến chứng về hô hấp và tim mạch.

Hương Thu

Tin liên quan

Cảnh báo tình trạng ngộ độc khí từ việc đốt than, củi để sưởi ấm

Rét đậm kéo dài suốt những ngày qua tại tỉnh Quảng Bình đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nền nhiệt chỉ khoảng 5-7 độ C, ban đêm còn thấp hơn nên người dân cảm giác rét buốt rõ rệt. Để chống chọi với giá rét, nhiều người đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó có việc đốt than, củi. Tuy nhiên, cách sưởi ấm này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong, nguy kịch do ngộ độc khí.


Nghệ An: Ba người bị ngộ độc khí do đốt than sưởi ấm đã qua cơn nguy kịch

Liên quan vụ việc 4 người trong một gia đình bị ngộ độc khí than làm 1 người tử vong và 3 người cấp cứu tại Nghệ An, ngày 27/11, hai nạn nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1983) và mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thái (sinh năm 1948), trú tại phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện. Bé sơ sinh con của chị Nhàn được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã qua cơn nguy kịch, thở đều và có thể bú sữa mẹ.


Hà Tĩnh: 6 người bị ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm

Sáng 30/12, bác sĩ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc - Trưởng khoa cấp cứu chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp bị ngộ độc khí CO (Carbon Monoxide) do đốt lò than củi để sưởi ấm khi nằm ngủ.



Đề xuất