An Giang sẽ có thêm 50 - 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

An Giang sẽ có thêm 50 - 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

Tỉnh An Giang phấn đấu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có thêm từ 50 - 70 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Tỉnh xác định phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập của người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, đến tháng 6/2022, tỉnh An Giang đã có 62 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó, có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, của 45 chủ thể kinh tế gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và trang trí.

An Giang hiện có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là: Đường thốt nốt bột và sản phẩm tương hột. Các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận các sao của tỉnh An Giang có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm…và đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP được An Giang rất chú trọng và triển khai thường xuyên. Chương trình OCOP đã phần nào khơi dây được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Tỉnh An Giang phấn đấu đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có thêm từ 50 - 70 sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có sản phẩm du lịch tham gia vào chương trình. Đến năm 2025, An Giang có thêm 169 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, phấn đấu có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao - cấp Quốc gia và nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 220 sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Theo ông Lâm, thời gian tới An Giang sẽ hoàn thiện và cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các giỏ quà sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hóa của quốc gia, vùng miền và địa phương.

Tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển sản phẩm tiềm năng và sản phẩm OCOP và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm