An Giang ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại

Trứng ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng lúa. Ảnh: TTXVN
Trứng ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng lúa. Ảnh: TTXVN

Để phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, UBND tỉnh An Giang sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương tổ chức điều tra lập danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn quản lý; tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn. Đồng thời, địa phương tổ chức khảo nghiệm sinh vật ngoại lai theo Luật Đa dạng sinh học để tổ chức thực hiện và hướng dẫn về loài ngoại lai xâm hại để thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

An Giang ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại  ảnh 1Trứng ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng lúa. Ảnh: TTXVN

Thực hiện Kế hoạch ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn, đến cuối năm 2020, An Giang đã ghi nhận xuất hiện 13 loài ngoại lai, trong đó có 8 loài ngoại lai xâm hại và 5 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

8 loài ngoại lai xâm hại gồm: Bọ cánh cứng hại lá dừa, ốc bươu vàng, cây trinh nữ thân gỗ (hay cây mai dương), cá tỳ bà lớn (hay cá dọn bể lớn), rùa tai đỏ, cây trinh nữ móc, cây ngũ sắc (hay bông ổi) và bèo tây (hay bèo lục bình).

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, hiện diện tích trồng dừa của tỉnh bị bọ cánh cứng hại lá dừa xâm hại ở từ mức nhẹ đến mức trung bình là 226 ha, xuất hiện hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2019, tình hình lây nhiễm ốc bươu vàng trên đồng ruộng tại An Giang dao động từ hơn 5.700 ha đến gần 21.000 ha. Hiện tỉnh đã ghi nhận diện tích bị cây trinh nữ thân gỗ (hay cây mai dương) xâm hại khoảng 175 ha tập trung tại các huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc. Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư ghi nhận sự xâm lấn của loài này với khoảng 2 ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho biết, thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng, từ năm 2013 đến cuối năm 2020, tỉnh đã lựa chọn khu vực bị cây mai dương xâm lấn trên diện rộng để tổ chức ra quân diệt trừ kết hợp các biện pháp thủ công, cơ giới, hóa học như: chặt hạ cây lớn vào đầu năm sau thời vụ xuống giống Đông Xuân để tận dụng làm chất đốt; phun thuốc hóa học theo hướng dẫn để diệt trừ cây non vào giữa mùa mưa khoảng tháng 5 -6 và chặt hạ lần cuối vào tháng 8 trước khi lũ về đối với các khu đất ngập nước. Tỉnh vận động nông dân đưa đất đai bị cây mai dương xâm nhiễm vào gieo trồng các loại cây nông nghiệp khác có sức cạnh tranh cao hơn.

Với ốc bươu vàng, tỉnh An Giang phát động nhiều đợt ra quân thực hiện các biện pháp diệt trừ như: Thả vịt vào ruộng lúa trước khi cấy hoặc sau khi thu hoạch để ăn ốc non; làm thức ăn cho một số loài thủy sản; đặt cắm cọc dọc theo bờ ruộng bắt ổ trứng; sử dụng một số loại thuốc hóa học diệt trừ; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân về các biện pháp tổng hợp trong phòng trừ...

Cục Hải quan tỉnh An Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài ngoại lai xâm hại. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm An Giang lồng ghép việc kiểm soát, phát hiện, ngăn ngừa, loài ngoại lai xâm hại vào hoạt động tuần tra bảo vệ rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo vệ cảnh quan thuộc phạm vi quản lý.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại góp phần hạn chế tác hại do việc lây lan, phát tán của chúng đến các hệ sinh thái, bảo tồn loài bản địa, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh…

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm