An Giang lên kế hoạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2030

An Giang lên kế hoạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2030
Cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) là một trong những cửa khẩu nhộn nhịp nhất của miền Tây Nam bộ trong giao thương với Campuchia.Ảnh : nld.com.vn
Cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) là một trong những cửa khẩu nhộn nhịp nhất của miền Tây Nam bộ trong giao thương với Campuchia.Ảnh : nld.com.vn
Theo đó, mục tiêu đến 2020, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh An Giang đạt bình quân 7-8%, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh An Giang đạt bình quân 10-11%; kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu năm cuối kỳ đạt khoảng 400 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu qua các cửa khẩu năm cuối kỳ đạt khoảng 35 triệu USD. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh An Giang bình quân đạt 9-10%, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu năm cuối kỳ đạt khoảng 650 triệu USD; tăng trưởng nhập khẩu qua các cửa khẩu bình quân đạt 12-13%, kim ngạch nhập khẩu qua các cửa khẩu năm cuối kỳ đạt khoảng 65 triệu USD. Giai đoạn 2025-2030, tăng trưởng xuất khẩu qua các cửa khẩu bình quân đạt 11-12%, kim ngạch xuất khẩu năm cuối kỳ đạt trên 1 tỷ USD; tăng trưởng nhập khẩu qua các cửa khẩu bình quân đạt 13-15%, kim ngạch nhập khẩu năm cuối kỳ đạt trên 120 triệu USD. Đặc biệt, đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh An Giang chiếm trên 40% tổng xuất khẩu toàn tỉnh và đạt trên 45% vào năm 2025. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu qua các cửa khẩu chiếm trên 25-30% tổng nhập khẩu toàn tỉnh đến năm 2020, đạt trên 35% đến 2025. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng nông, thủy sản, giảm tỷ trọng mặt hàng sắt thép, xi măng. Đến năm 2025, tỷ trọng mặt hàng nông, thủy sản trong kim ngạch xuất khẩu qua biên giới đạt 40-50%. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng cửa khẩu. Cửa khẩu Khánh Bình được phê duyệt nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế trong giai đoạn đến năm 2020 và cửa khẩu đường sông Vĩnh Xương được đầu tư nâng cấp cải tạo đến năm 2025. Không những thế, Đề án nêu ra một số giải pháp phát triển thương mại biên giới như: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới; phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu; tổ chức nguồn hàng, phát triển các liên kết trong thương mại biên giới; phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu hàng hóa và phương thức kinh doanh. Theo ông Võ Nguyên Nam, tới đây Sở Công Thương tỉnh An Giang sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh công bố Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan. Hơn nữa, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện các biện pháp và chính sách phù hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Ban hành Quy chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu trên địa bàn; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hạ tầng cho thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, các sở, ngành liên quan theo chức năng của mình, xác định hoặc hỗ trợ xây dựng danh mục mặt hàng chủ lực cho xuất, nhập khẩu và thương mại biên giới, xây dựng cơ chế, kế hoạch xúc tiến xuất khẩu những sản phẩm đó; triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển của từng ngành để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá cho hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới. Hơn nữa, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp biên mậu trong và ngoài tỉnh về sự cần thiết sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp có uy tín; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá có giá trị gia tăng cao, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất, phân phối, đến xuất nhập khẩu và tiêu dùng, đặc biệt trong thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh.
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm