An Giang khắc phục tâm lý chủ quan trong xây dựng nông thôn mới

An Giang khắc phục tâm lý chủ quan trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là cơ hội rút ngắn khoảng cách với thành thị, tạo điều kiện phát triển toàn diện nông thôn. Vì vậy, các địa phương cần khắc phục tâm lý thỏa mãn, chủ quan sau khi được công nhận xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.

An Giang khắc phục tâm lý chủ quan trong xây dựng nông thôn mới  ảnh 1Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sang –TTXVN

Đây là chỉ đạo của ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tại "Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2022 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2023 – 2025", do UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 25/5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Ngay sau khi có sự chủ trương, chính sánh của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững qua từng năm.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang hoàn thành mục tiêu, ông Trần Anh Thư yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện phát triển toàn diện nông thôn về kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các địa phương cần khắc phục tâm lý lơ là, cầm chừng khi chưa đưa vào lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh An Giang phấn đấu có thêm ít nhất 31 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 87/110 xã. An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành và thị xã Tân Châu, nâng tổng số 6/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đến cuối năm 2025, An Giang phấn đấu đưa huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nâng cao đến năm 2025 là 37 xã nông thôn mới. Đồng thời toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 60% ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp nông thôn mới.

An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đạt từ 80% trở lên; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 2,5%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%.

Riêng giai đoạn 2023 – 2025, An Giang phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; có thêm 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Để đạt được các mục tiêu trên, ông Phạm Thái Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, tỉnh duy trì, nâng chất các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tăng cường xã hội hóa giáo dục, văn hóa, y tế…, đặc biệt là vận động xã hội hóa để tiếp tục nâng chất các công trình cầu, đường giao thông để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

An Giang khắc phục tâm lý chủ quan trong xây dựng nông thôn mới  ảnh 2Ông Phạm Thái Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sang –TTXVN

An Giang sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới gồm: Nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động xã hội hóa; đồng thời, thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ông Bình báo cáo tại hội nghị.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn An Giang đạt được mục tiêu cao, ông Bình cũng cho biết, An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và sản xuất; đổi mới các hình thức tổ chức kinh tế, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể...

Tính đến đầu tháng 5/2023, An Giang có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Toàn tỉnh hiện có có 71/110 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,54%; trong đó, có 29 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tỉnh hiện có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn được công nhận đạt chuẩn ấp nông thôn mới.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm