An Giang huy động nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc

An Giang huy động nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc
Huyện miền núi Tịnh Biên (An Giang) thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: tinhbien.angiang.gov.vnHuyện miền núi Tịnh Biên (An Giang) thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: tinhbien.angiang.gov.vn
Ông Men Pholly - Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc; triển khai kịp thời các chính sách đến với hộ nghèo dân tộc để được hỗ trợ đất ở, học nghề giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, công trình thủy lợi vùng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm chăm lo công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và đầu tư mạnh hơn cho công tác giáo dục đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc; đẩy mạnh phát triển đảng viên, giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc. Tỉnh An Giang tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở các vùng dân tộc ngày càng vững mạnh, nắm chắc mọi diễn biến, tình hình. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự vùng dân tộc… Tại An Giang ngoài dân tộc Kinh, còn 29 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó 3 dân tộc thiểu số chủ yếu là Khmer, Chăm và Hoa. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn An Giang đã thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. An Giang cũng tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội đã tạo động lực phát triển bước đầu cho vùng đồng bào dân tộc ngày một hiệu quả hơn. Đến nay, có 4 xã ở An Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: xã Núi Voi và Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên; xã Lương Phi, huyện Tri Tôn và xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc cũng đã hỗ trợ An Giang đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã khó khăn, xã biên giới có đông đồng bào dân tộc sinh sống, giúp bà con từng bước nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh. Giai đoạn 2017-2020, tại An Giang có gần 6.800 hộ đồng bào dân tộc được hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Nhằm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, vai trò của đồng bào trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, tình hình phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia tại các huyện, thành phố, thị xã biên giới như: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Châu Đốc và Tân Châu... Ban Dân tộc phối hợp với Hội Nông dân hỗ trợ bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công, truyền thống. Tại An Giang, mạng lưới y tế ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được phủ kín từ huyện đến xã; mạng lưới khám chữa bệnh các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm