An Giang đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo phù hợp với tình hình thực tế

Người dân An Giang đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định. Nguồn:laodongxahoi.net
Người dân An Giang đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định. Nguồn:laodongxahoi.net

Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

An Giang đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo phù hợp với tình hình thực tế ảnh 1Người dân An Giang đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định. Nguồn:laodongxahoi.net

Tại An Giang, hộ nghèo, hộ cận nghèo sống tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer, đông nhất ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú. Tính đến cuối năm 2020, địa phương có số hộ nghèo cao nhất là huyện Tri Tôn với hơn 2.300 hộ, kế đến là huyện An Phú gần 1.600 hộ. Huyện Tri Tôn cũng là địa phương có số hộ cận nghèo cao nhất tỉnh với gần 3.400 hộ, sau đó là thị xã Tân Châu với hơn 3.700 hộ và huyện Thoại Sơn hơn 2.900 hộ. Toàn tỉnh An Giang còn 4 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên, trong đó huyện Tri Tôn có 3 xã (Núi Tô, An Tức, Lê Trì) và xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020, An Giang đã giải ngân cho gần 30.000 hộ vay, với số tiền trên 900 tỷ đồng, trong đó có gần 2.400 hộ nghèo, gần 7.300 hộ cận nghèo và gần 3.900 hộ mới thoát nghèo. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ, cấp gần 730 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện miễn giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số...

Tỉnh đã đầu tư 75 công trình ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, với kinh phí gần 26 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo, với 120 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Cùng với đó, An Giang hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng 17 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình với 417 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Từ đó, trong năm 2020, số hộ nghèo tại An Giang giảm 4.000 hộ, còn 10.200 hộ (chiếm 1,9%). Trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm 3,2%, còn hơn 2.400 hộ. Đặc biệt, đến cuối năm 2020, An Giang không còn hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách người có công với cách mạng; số hộ cận nghèo cũng giảm 0,15%, còn hơn 26.600 hộ (chiếm 4,94 %).

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết: Từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và vốn huy động, tỉnh đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Qua đó, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, được nhân dân phấn khởi đón nhận và tham gia ủng hộ, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tuy đạt được một số kết quả tích cực, hiện một số hộ nghèo tại An Giang còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa tìm ra hoặc không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo dù đã được hỗ trợ, tư vấn để học nghề, giải quyết việc làm và vốn tín dụng ưu đãi.

Để các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra có hiệu quả, ông Phan Văn Tuấn cho rằng: Các địa phương phải có kế hoạch giảm nghèo cụ thể cho riêng từng xã, từng huyện phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt trên cơ sở phân loại hộ, cần xây dựng các giải pháp giảm nghèo cho từng loại đối tượng, giải pháp phải có tính chất căn bản, lâu bền trên cơ sở các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tham gia, để họ từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2021, tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang hơn 30,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã biên giới; dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin và dự án nâng cao năng lực giám sát đánh giá.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly: Tỉnh sẽ tăng cường đối thoại với người nghèo để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để có kế hoạch giúp họ làm ăn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm... tạo mọi điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

An Giang cũng sẽ xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo của các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã và huy động mọi người dân tham gia, trong đó có sự tham gia của bản thân đối tượng thụ hưởng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo…

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm