An Giang chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, kênh rạch

An Giang chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, kênh rạch
Lực lượng chức năng thả bao cát gia cố đường bờ, hạn chế sạt lở. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
 Lực lượng chức năng thả bao cát gia cố đường bờ, hạn chế sạt lở.
Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Trắng tay sau sạt lở

Sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) đoạn chảy qua ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) xưa vốn hiền hòa nay bỗng nhiên “trở mình hung dữ”, kéo đất đai, nhà cửa của hàng chục người dân trôi tuột xuống sông.

Đứng bần thần trước căn nhà đang khóa trái cửa phía trong khu vực được cảnh báo sạt lở nguy hiểm, ông Ngô Văn Khâu ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết: Chỉ hơn 2 tuần trước, gia đình còn sum vầy trong căn nhà mà ông và cả gia đình gom góp bao nhiêu năm mới cất xong; nay cả nhà phải dắt nhau qua nhà người thân xin ở nhờ vì nhà có nguy cơ bị sụp do sạt lở bất cứ lúc nào. Gia đình ông ở đây gần 60 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy cảnh sạt lở nguy hiểm như vậy. Nhà ông nằm cách bờ sông hơn 30m, hiện tường và nền nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn hơn ngón tay cái.

“Năm 2017, thấy cảnh tượng sạt lở khủng khiếp ở Vàm Nao rồi nên giờ thấy chính quyền cảnh báo là bà con di dời ngay, không ai dám mạo hiểm với với “thủy thần”, chỉ cần một vạt đất lở ùm xuống sông là có thể nhấn chìm người và nhà cửa” – ông Khâu tâm sự.

Trước đó, vào ngày 9/7 và 19/7/2019, tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) đã xảy ra hai vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) với tổng chiều dài hơn 160m, đe dọa 64 hộ dân, trong đó có 27 hộ có nhà dọc ven sông Vàm Cái Hố phải di dời khẩn cấp.

Bà Nguyễn Thị Hầu (sinh năm 1953) - một trong 27 hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung cho biết, nhà ven sông thì luôn sống trong nỗi lo sợ sạt lở, nhưng vì nghèo, hơn nữa đây là quê hương với phần mộ ông bà, tổ tiên nên khó bỏ đi đâu được.

Ông Trần Văn Căn (sinh năm 1954), nhìn ra sông Vàm Cái Hố - nơi cách xa nhà ông hơn chục mét. Căn nhà của ông Căn nằm cách sông không xa, có thể sạt lở bất cứ lúc nào nên ông và con cháu phải di dời qua nhà người quen xin ở tạm; sáng ra, thấy tiếc của và nhớ nhà ông lại quay về nhìn căn nhà của mình đang khóa của im lìm, nằm sau hàng rào dây căng ngang cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.

Theo ông Căn, từ trước đến giờ, nếu có sạt lở thì cũng chỉ vài mỏm đất nhỏ nằm phía ngoài mép sông, không ngờ lần này sạt lở ăn sâu vào cả mấy chục mét, vết nứt chạy dài cả trăm mét, đất ven sông cứ sụp ầm ầm xuống sông. “Sạt lở đất xảy ra nhanh như chớp nhưng dư âm của nó thì dai dẳng cứ như nhát dao cứa vào da thịt những người dân vùng sạt lở” – ông Căn nói.

Chủ động ứng phó

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 13 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh rạch với chiều dài hơn 1.089 m, ảnh hưởng tới 81 căn nhà, gây thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 1/8, tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng, hơn 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều dài 85m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu; sạt lở đe dọa đến 26 hộ dân, trong đó 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp; buộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phải ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn xã xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

Như vậy, cùng với huyện Châu Phú, đến nay tỉnh An Giang đã ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng ở 4 khu vực gồm: khu vực sông Cái Sắn đoạn chảy qua phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên; Kênh Xáng Tân An đoạn chảy qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu; tuyến tỉnh lộ 946 huyện Chợ Mới và Quốc lộ 91 đoạn xã xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

Ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, kết quả quan trắc đợt một năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh An Giang có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ đe dọa hơn 20.000 hộ dân.

Theo ông Môn, các vụ sạt lở xảy ra vừa qua đều nằm trong danh mục cảnh báo hằng năm và đã được chính quyền địa phương chủ động cảnh báo cho người dân bết nên không gây thiệt hại về người và hạn chế thiệt hại về tài sản.

“Hiện đang bước vào mùa mưa, cộng với tình hình lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp nên đất ven sông bị “hổng chân” dẫn đến nguy cơ sạt lở đất dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… tăng cao” – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn lo ngại.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho biết, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và sạt lở đất bờ sông, kênh rạch trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại người và tài sản của nhân dân; triển khai nhanh dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông chính trên địa bàn tỉnh là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông; tăng cường giám sát, đánh giá tác động các dự án nạo vét thông luồng, các dự án chỉnh trị, điều chỉnh bố trí lại hoạt động khai thác cát sau khi có kết quả nghiên cứu dự án ba sông chính.

Các sở, ngành phối hợp các địa phương thành lập các đội ứng cứu khẩn cấp để khi xảy ra sạt lở sẽ nhanh chóng hỗ trợ nhân dân vùng sạt lở di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn.

Về lâu dài, để chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho rằng, người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ....
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm