An Giang chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô 2018

An Giang chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô 2018
Kiểm lâm địa bàn cùng các thành viên Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) kiểm tra rừng ở khu vực núi Dài nhỏ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Kiểm lâm địa bàn cùng các thành viên Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) kiểm tra rừng ở khu vực núi Dài nhỏ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Với phương châm "Phòng là chính, cứu chữa kịp thời”, ngay từ đầu mùa khô năm 2018, Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Trong đó, yêu cầu các Ban Chỉ huy cấp huyện và xã khẩn trương xây dựng và triển khai phương án năm 2018... Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai được 34/35 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các xã, huyện có rừng.

Toàn tỉnh  trang bị 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai; 5 máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng và trên 10.500 dụng cụ chứa nước như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, dao quéo, thùng thiết, kẻng báo động… được bố trí ở 132/195 điểm theo phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, tiến hành phát dọn 5 đường băng cản lửa, chống cháy lan thuộc khu vực Núi Cấm và núi Phú Cường, tổng diện tích dọn băng chống cháy lan là gần 21 ha; đốt chủ động, chống cháy lan  23,2 ha cỏ thực bì (huyện Tri Tôn 15 ha, thành phố Châu Đốc 8,1 ha).

Các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang vận chuyển can nhựa chứa nước phục vụ chữa cháy rừng đến các điểm có nguy cơ cháy cao ở khu vực núi Dài nhỏ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang vận chuyển can nhựa chứa nước phục vụ chữa cháy rừng đến các điểm có nguy cơ cháy cao ở khu vực núi Dài nhỏ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Tại huyện Tịnh Biên, một trong hai địa phương có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh An Giang, công tác phòng chống cháy rừng đang vào giai đoạn cao điểm, ngành bố trí lực lượng túc trực 24/24h.

Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cho biết, toàn huyện có trên 6.645 ha rừng, trong đó có 270 ha rừng thuộc khu vực núi Phú Cường được xem là điểm nóng nhất, năm nào cũng xảy ra một vài đám cháy nhỏ.

Theo ông Công, để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng tốt, trong năm 2018, tỉnh An Giang tiến hành xây nhiều bốn chứa nước nằm rải rác trên núi và rìa rừng, đây là những hồ trữ nước lớn có sức chứa từ 10.000 -20.000 m3 phục vụ công tác phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, huyện còn xây thêm khoảng 400 hồ chứa nước trong mùa khô, dung tích mỗi hồ từ 1-3m3 nước; bố trí gần 500 can nhựa chứa nước (loại can 10 lít) tại các khu vực có nguy cơ cháy nằm ở xa, địa hình hiểm trở.

Đặc biệt tại Tịnh Biên, Hạt kiểm lâm còn ký hợp đồng phòng chống cháy rừng mùa khô với nghiệp đoàn xe ôm tại Núi Cấm, khi xảy ra cháy rừng có thể huy động từ 100-150 người hành nghề xe ôm cùng tham gia dập lửa một cách nhanh chóng.

Ông Nuyễn Văn Sáu, thành viên trong Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang tích nước vào can loại 20 lít nhằm phục vụ công tác chữa cháy rừng. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Ông Nuyễn Văn Sáu, thành viên trong Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang tích nước vào can loại 20 lít nhằm phục vụ công tác chữa cháy rừng. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Theo ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, thời tiết đầu năm 2018 xuất hiện những cơn mưa trái mùa ở các khu vực đồi núi, nhưng cảnh báo cháy rừng vẫn ở cấp IV (cấp nguy hiểm); do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng không được chủ quan, lơ là, nhất là đối với các khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra cháy cao như Núi Cấm, núi Phú Cường, rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Tỉnh đội, rừng tràm Nhơn Hưng…

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm thực hiện cảnh báo cháy trên website (http://www.kiemlamangiang.gov.vn); chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm tăng cường kiểm tra hiện trường khu vực ven tuyến đường có khách du lịch thường xuyên đi ngang qua rừng; tổ chức nhắc nhở cụm dân cư sống trong rừng, ven rừng cẩn thận trong sử dụng lửa. Đặc biệt, bố trí lực lượng trực tại các khu nghĩa trang để nhắc nhở người dân, hạn chế phát sinh cháy rừng từ hoạt động tảo mộ có sử dụng lửa.

Đặc biệt, tăng số lần tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn, những nơi có đông khách du lịch để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng.

Tỉnh An Giang hiện có trên 16.868 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, bao gồm rừng đồi núi và rừng tràm ở đồng bằng. Tổng diện tích vùng có nguy cơ cháy ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm là 7.347 ha, chiếm 44,42% tổng diện tích, tập trung nhiều nhất là huyện Tịnh Biên có 2.912 ha; huyện Tri Tôn có 4.254,30 ha; thành phố Châu Đốc có 157,15 ha và huyện Thoại Sơn có 170 ha.

Tuy diện tích rừng và đất rừng của tỉnh An Giang không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ an ninh, quốc phòng.
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm