Ai Cập phát hiện 12 cung hoàng đạo hoàn chỉnh đầu tiên tại Đền Esna

Trong quá trình trùng tu, các nhà khảo cổ học Ai Cập đã lần đầu tiên phát hiện các bức phù điêu 12 cung hoàng đạo hoàn chỉnh ở trên trần của ngôi đền Esna thuộc tỉnh Luxor.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, du khách đến thăm ngôi đền Esna sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng 12 cung hoàng đạo trên trần của sảnh Hypostyle, sau nhiều năm những cung hoàng đạo này bị những lớp bụi bẩn dày đặc che phủ.

Sau 5 năm trùng tu ngôi đền, các nhà khảo cổ Ai Cập và Đức đã phát hiện ra những hình ảnh thiên văn rực rỡ và đầy màu sắc của người Ai Cập cổ đại. Các bức phù điêu trên trần của ngồi đền Esna chứa tất cả 12 cung hoàng đạo, các hành tinh gồm Sao Mộc, Sao Thổ và Sao Hỏa, cũng như các chòm sao được người Ai Cập cổ đại sử dụng để đo thời gian. Tổng Thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, Tiến sĩ Mostafa Waziri cho biết các bức phù điêu đầy màu sắc này cũng mô tả các vị thần, động vật, tên của các nhân vật thần thánh và các sinh vật tưởng tượng gồm một con rắn đầu cừu và một con chim đầu cá sấu.

Trưởng đoàn Ai Cập tham gia dự án trùng tu, Tiến sĩ Hisham El-Leithy cho biết thêm đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy những chữ khắc và phù điêu đầy đủ về 12 cung hoàng đạo được người Ai Cập cổ đại sử dụng ở ngôi đền Esna. Ông khẳng định những phát hiện này không được ghi lại trong ấn bản khám phá trước đây về ngôi đền Esna vào năm các năm 1963 và 1975 của nhà Ai Cập học người Pháp quá cố Serge Sauneron.

Trong khi đó, trưởng đoàn của Đức, chuyên gia Christian Leitz thuộc Đại học Tübingen, cho biết‎ cung hoàng đạo là một phần của thiên văn học Babylon, có khả năng được đưa vào Ai Cập thuộc thời kỳ người Hy Lạp cai trị trong 3 thế kỷ trước Công nguyên. Cung hoàng đạo trở nên rất phổ biến vì được sử dụng để trang trí các ngôi mộ, quan tài và là một yếu tố quan trọng trong các văn bản chiêm tinh và lá số tử vi được khắc bằng chữ Demotic trên các ostraca (những mảnh gốm có khắc chữ). Tuy nhiên, những hình ảnh về các cung hoàng đạo rất hiếm thấy trong các ngôi đền Ai Cập cổ đại.

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Phát hiện mới về nghi lễ mai táng thời cổ đại Ai Cập

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ngày 25/1 cho biết các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện cụm mộ gia đình ở bờ Tây thành phố Luxor, miền Nam nước này. Kết quả giám định sơ bộ cho thấy những ngôi mộ nêu trên được xây dựng trong Thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai của Ai Cập (1677-1550 trước Công nguyên). Thông báo của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập nêu rõ: "Những ngôi mộ này được xây dựng trên một khu vực rộng 50m x 70m, bao gồm 30 huyệt chôn cất".


Phát hiện tòa nhà bằng gạch bùn 4.500 năm tuổi tại Ai Cập

Một đoàn khảo cổ của Italy và Ba Lan vừa phát hiện di tích một toà nhà cổ được xây bằng gạch bùn. Tòa nhà này được cho là một trong 4 ngôi đền thờ Mặt Trời mất tích có niên đại từ Vương triều thứ 5 của Ai Cập cổ đại (từ năm 2465 đến 2323 trước Công nguyên).


Phát lộ xưởng gốm 4.500 tuổi ở Ai Cập

Các nhà khảo cổ Ai Cập đã phát lộ một xưởng gốm có niên đại khoảng 4.500 năm tuổi gần thành phố Aswan, miền Nam nước này, trong quá trình tu bổ Đền Kom Ombo bên bờ sông Nile.



Đề xuất