A Thút kể sử thi trên đất Mỹ

A Thút kể sử thi trên đất Mỹ
Làng Đắc Vớt vốn là làng cổ Hơ Moong, là nơi cư trú lâu đời của người Ba na nhánh Rơ ngao, thuộc thị xã Kon Tum, sau tách về huyện Đắc Hà (tỉnh Kon Tum). Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa truyền thống của người Ba na, ông A Thút sớm yêu những làn điệu dân ca, yêu tiếng cồng tiếng chiêng của dân tộc mình. Từ nhỏ, ông đã đi theo cha, một người kể sử thi có tiếng khắp vùng người Ba na ở Kon Tum, trong những đêm kể sử thi thâu đêm suốt sáng.
 
Khi Nhà nước xây dựng công trình thủy điện Plei Krông, bà con làng Đắc Vớt chuyển về nơi ở mới thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Những người già lần lượt về với tổ tiên, người trẻ yêu văn hóa hiện đại hơn văn hóa truyền thống. Điều đó đã thôi thúc ông A Thút phải làm điều gì đó để giữ gìn lại văn hóa, những phong tục tâp quán tốt đẹp của dân tộc đang dần bị lãng quên:
 
- Sau năm 1995, tôi cảm thấy xu thế của xã hội, trong đó có cả dân tộc Ba Na mình, lớp trẻ rất yêu thích văn hóa hiện đại. Thành thử, tôi phải sưu tầm trong các buôn làng, hỏi các cụ già để mình nắm bắt. Tôi chép thành bài. Sau này, từ năm 2000 là lớp trẻ lại quay lại, họ thích nhạc cổ, nhạc cồng chiêng. Nhạc hiện đại, tất nhiên không phải là mình chê, nó vẫn tạo tinh thần cho lớp trẻ họ chơi, họ vui. Nhưng tôi thấy, đến hiện nay, nhạc truyền thống vẫn có giá trị hơn.
 
Ông A Thút tham gia văn bản hóa sử thi Tây Nguyên, biên dịch sử thi Tây Nguyên từ năm 2001 đến năm 2005. Ông bảo nhờ có sử thi mà hiểu biết thêm về phong tục tập quán, lối sinh hoạt  trong làng.
 
Đội chiêng làng Đắc Vớt . Ảnh:P.A
Đội chiêng làng Đắc Vớt . Ảnh:P.A
Là người Ba na, nhưng ông A Thút cũng gặp khó khi đi sưu tầm sử thi trong những làng Ba na. "Mình phải nói cho khéo, họ mới thông cảm, họ mới cung câp cho mình thông tin, mình mới ghi chép. Rất là vất vả. Nếu mà mình nói không khéo, họ nói "Ơ, tôi quên rồi, tôi không có thời gian kể cho anh đâu". Rất khó khăn. Mình phải có nghệ thuật của mình, nói cho họ thương, nói cho họ mến để mình được việc" - ông A Thút bảo.

Có lần, ông tới một làng cách làng ông hơn 20 km. Mùa mưa Tây Nguyên, mưa tầm tã. Khi đến làng đó, ông bắt đầu ghi âm, và ngủ luôn tại đó. Ngấm mưa, ông bị sốt. Chính người nghệ nhân hát sử thi đó lại chăm sóc ông, vì "Ơ, mình kể, anh không ghi âm, anh không ghi chép, sau này bay đi hết. Bây giờ, mình phải chăm sóc để anh khỏe, để anh viết lại. Sau này, con cháu mình mới biết ông nó, bác nó kể". 
 
Những bài chiêng cổ như “Mừng khách”, bài chiêng đám ma, bài chiêng "Ăn mừng lúa mới"…; những bài dân ca "Ru em", "Em vui giã gạo", "Vì rượu mất người yêu"… đã được ông ghi chép cẩn thận trong những chuyến điền dã như vậy. Những lễ hội truyền thống đã bị lãng quên như Lễ cầu an, Lễ mừng lúa mới… được ông sưu tầm và phối hợp với chính quyền, ngành văn hóa địa phương giúp bà con phục dựng lại. Nhờ vậy mà thế hệ trẻ người Ba na ở Đắc Vớt có cơ hội biết đến những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
Không chỉ sưu tầm và giữ gìn văn hóa truyền thống, ông A Thút còn “mang” văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè thế giới. Từ sau chuyến sang Mỹ kể sử thi, đánh cồng chiêng năm 2007 đến nay, ông đã tham gia nhiều hội thảo quốc tế về văn hóa truyền khẩu và dẫn đoàn nghệ nhân Ba na của tỉnh Kon Tum trình diễn cồng chiêng tại nhiều nước. Đến đâu, những màn biểu diễn của các nghệ nhân Ba na cũng được đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt.
 

Nghệ nhân A Thút (đứng đầu) hướng dẫn đội chiêng làng Đắc Vớt tập luyện. Ảnh:baomoi.com
Nghệ nhân A Thút (đứng đầu) hướng dẫn đội chiêng làng Đắc Vớt tập luyện. Ảnh:baomoi.com
- Một khi mình thể hiện, lưu diễn cho nước ngoài, tâm trạng của mình phải hết sức bình tĩnh. Mình cảm thấy đây là niềm tự hào của dân tộc mình, niềm tự hào nhạc cụ của mình. Mình cảm thấy sau này phải phát huy hơn nữa. Sau này về, bà con mình ai ai cũng muốn tập để được đi. Ai cũng nói “xin vào cuộc” - ông A Thút kể.

 
Những năm qua, dù bận rộn với công việc của Phó chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nhưng ông vẫn dành thời gian để sưu tầm và truyền dạy văn hóa dân gian cho lớp trẻ. Điều ông trăn trở nhất là mình giờ đã ngoài 60 tuổi, không còn đủ sức khỏe để theo đuổi những đam mê như thời còn trẻ, những người am hiểu văn hóa dân tộc cũng không còn nhiều:
 
- Tôi suy nghĩ điều đó ngày đêm. Tôi nghĩ, làm như thế nào cho con cháu mình, lớp trẻ, sau này giữ được cồng chiêng. Tôi cùng với anh em nghệ nhân cồng chiềng luôn bàn bạc với nhau, nhắm con em ngoan ngoãn để truyền dạy, tre già măng mọc. Cái này, mình quyết tâm truyền dạy lại cho lớp trẻ bằng được. Vì mình cũng có tuổi rồi, cũng chẳng bao lâu nữa, sức khỏe cũng yếu rồi. Tâm hồn mình vẫn yêu cồng chiêng, yêu văn hóa, nhưng sức khỏe không đáp ứng nữa. 

Đội cồng chiêng làng Đắc Vớt có khoảng 30 người. Ngày, đi làm nương làm rẫy. Tối, khi mọi người đã thảnh thơi,  7h anh em có mặt, rồi tập tới 9h. Trong 1 tuần, đội tập được 3 tối như thế.

 Theo anh Hoàng Đình Chung, chuyên viên phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, ghi nhận và trân trọng những đóng góp của ông A Thút đối với ngành văn hóa, tỉnh Kon Tum đang làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho ông:
 
- Nghệ nhân A Thút là 1 người rất có tâm huyết với cộng đồng dân tộc Ba na nói riêng, cộng đồng dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh kon Tum nói chung. Ông không những dạy cho bà con làn điệu chiêng, làn điệu múa, lời ru của dân tộc mình, ông còn có thể dạy được cho dân tộc anh em như Gia rai, Xơ đăng, B’râu, Rơ măm…

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm