8 triệu người dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi từ dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng”

8 triệu người dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi từ dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng”

Theo ông Bianiam Haile, Quyền Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, với tổng số vốn hỗ trợ hơn 700.000 USD, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối với Trung tâm CIRUM, Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện dự án từ đầu năm 2016 đến hết năm 2018 tại 6 tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Chăm sóc vườn cây giống tại công ty lâm nghiệp Hoành Bồ (Quảng Ninh). ảnh; TTXVN
Chăm sóc vườn cây giống tại công ty lâm nghiệp Hoành Bồ (Quảng Ninh). ảnh; TTXVN

Có khoảng 8 triệu người dân tộc thiểu số được hưởng lợi thông qua quá trình tham vấn, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các chính sách khác, cũng như các hoạt động thành công được nhân rộng của dự án. Đây là nhóm hộ chiếm tỉ lệ cao nhất trong tỉ lệ nghèo đói ở Việt Nam, đời sống phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất rừng. Trong đó phụ nữ và trẻ em gái là những người thiếu sự đảm bảo về an ninh lương thực, thiếu các cơ hội phát triển kinh tế, sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối mặt với rào cản ngôn ngữ, trình độ giáo dục thấp và thường thiếu cơ hội tham gia trong tiến trình ra quyết định và quyết sách của cộng đồng các dân tộc thiểu số. 

Anh A Điếu, dân tộc Gia Rai, tỉnh Kon Tum cho biết, đất sản xuất của gia đình còn rất ít, xấu vì chủ yếu là đất đồi trọc, chỉ sau 2-3 năm sản xuất đất đã bị bạc màu, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật thấp, công cụ lao động chủ yếu bằng chân tay. Thu nhập chính từ cây mì nên mặc dù mỗi năm thu được gần 20 tấn mì tươi cũng không đủ trang trải cho cuộc sống. Dự án này rất tốt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sau này còn giúp dân biết tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên. 

Theo Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, hiện tỉ lệ đói nghèo ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao hơn tỉ lệ trung bình trên cả nước. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rang, một trong những nguyên nhân chính mà cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khó có thể phát triển bền vững, hòa nhập, tỉ lệ nghèo cao là do thiếu đất sản xuất. Hơn 2/3 số người dân tộc thiểu số có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, sống dưới ngưỡng nghèo. Cùng với đó, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sức ép về dân số, tình trạng suy thoái rừng và giảm diện tích đất rừng bình quân đầu người cũng như cạn kiệt về tài nguyên. Thực tiễn chỉ ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là công tác quản trị tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, đặc biệt trong quản trị rừng và đất rừng; nhiều phương thức quản lý rừng cộng đồng dựa vào luật tục mà hiệu quả chưa được nghiên cứu và đánh giá. 

Các chính sách lâm nghiệp và đất đai hiện tại đã cho phép các cộng đồng dân cư có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cộng đồng, tạo điều kiện để giao đất rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản nếu cộng đồng dân cư duy trì các phong tục, tập quán và truyền thống về quản lý rừng. Trên thực tế, tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn chế bởi nhiều yếu tố kết hợp, như hạn chế liên quan đến quyền sử dụng đất chính thức, việc giao đất giao rừng cho các nông, lâm trường quốc doanh và tư nhân, thiếu một cơ chế chính thức công nhận hiệu quả các phương thức quản lý rừng cộng đồng truyền thống. Trong bối cảnh này, vận động chính sách để hướng tới một môi trường chính sách thuận lợi về quản trị rừng trở nên hết sức quan trọng, sẽ đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và quản lý và sử dụng đất rừng cộng đồng một cách hiệu quả. 

Với mục tiêu góp phần bảo vệ và tăng cường năng lực tiếp cận và quản lý đất rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số, dự án mong đợi các mô hình quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả sẽ được các nhà hoạch định chính sách ghi nhận và sử dụng trong quá trình điều chỉnh, sửa đổi chính sách đất, rừng. Có các khoản tài trợ nhỏ để phụ nữ dân tộc đủ tự tin tham gia vào quá trình ra quyết định trong các hoạt động quản lý và sử dụng đất, rừng cộng đồng dựa vào vai trò và kinh nghiệm của bản thân. Trên cơ sở đó, đại diện phụ nữ dân tộc có cơ hội tham gia tích cực vào các hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách tại các cấp. Kết quả triển khai dự án sẽ được chia sẻ, tham vấn với chính quyền và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình sửa đổi luật sắp tới-bà Trần Thị Hòa, Giám đốc CIRUM chia sẻ./. 


Có thể bạn quan tâm