76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên

76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên

Hơn 70 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, vùng “đất lửa” Quảng Trị một thời bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn giờ đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định sức sống mới từ sự phát huy truyền thống cách mạng anh hùng.

* Tự hào truyền thống cách mạng anh hùng

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong là cơ sở hoạt động và đầu mối liên lạc của Đảng ở Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Trị. Nơi đây cũng diễn ra các cuộc họp quan trọng để đưa ra chủ trương, xây dựng lực lượng và lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại làng Mỹ Lộc, đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/8/1945, Lệnh khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Trị được phát ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đông đảo quần chúng nhân dân đã tập hợp biểu tình rồi kéo lên thị xã Quảng Trị - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng và giành chính quyền. Trước ngày khởi nghĩa, cụ Nguyễn Đô (hiện 92 tuổi) ở làng Mỹ Lộc được giao nhiệm vụ canh gác bên ngoài cho các cuộc họp bí mật và quan trọng của Tỉnh ủy Quảng Trị. Cụ Đô kể: Các cuộc họp bí mật diễn ra tại một căn nhà của người thân trong gia đình tôi; công tác xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho khởi nghĩa cũng được chuẩn bị rất khẩn trương và chu đáo. Cụ luôn tự hào về truyền thống cách mạng kiên trung của gia đình và người dân làng Mỹ Lộc. Truyền thống tốt đẹp này đang được con cháu phát huy để xây dựng quê hương giàu đẹp.

76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên ảnh 1Cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (nhìn từ hướng Bắc-Nam). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Đôi bờ cầu Hiền Lương – sông Bến Hải còn mãi ghi dấu lịch sử bi hùng suốt những tháng năm đất nước bị chia cắt. Cách đây 67 năm, Hiệp định Giơnevơ ký kết ngày 21/7/1954, đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời trong hai năm để chuẩn bị Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước, rắp tâm xâm lược nước ta, biến miền Nam thành bàn đạp để tấn công miền Bắc. Sông Bến Hải đã trở thành nơi chia cắt hai giới tuyến. Bằng ý chí sắt đá với quyết tâm “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, quân dân hai miền Nam-Bắc đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đoàn kết đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường khốc liệt nhất. Trên vùng “đất lửa” Quảng Trị có những địa danh ghi đậm dấu ấn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại như: Đường 9 - Khe Sanh, Tà Cơn - Làng Vây, Cồn Tiên - Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị. Ông Phạm Hồng Cam (75 tuổi) ở huyện Vĩnh Linh tự hào chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, người dân Quảng Trị dù ở bờ Bắc hay bờ Nam sông Bến Hải đều phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ nhưng không hề nao núng, một lòng một dạ sắc son thủy chung. Khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất và vươn lên đã tạo động lực để nhân dân Quảng Trị chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

* Nhanh và hiệu quả trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình”

 Năm 2021 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, quân và dân Quảng Trị đang đồng lòng chiến đấu với “kẻ thù vô hình” – dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam: Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, tỉnh luôn có phương án, kịch bản cụ thể để ứng phó với các tình huống phức tạp của dịch bệnh với nguyên tắc “nhanh hơn một bước và cao hơn một cấp” để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế.

76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Quảng Trị đã và đang thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. So với cùng kỳ năm 2020, trong 7 tháng năm 2021, nhiều chỉ số quan trọng của tỉnh tăng cao như: Tổng sản phẩm GRDP đạt 6,1%, chỉ số sản xuất công nghiệp gần 9,5%, kim ngạch xuất khẩu trên 19%, kim ngạch nhập khẩu 310%. Đặc biệt, tổng thu ngân sách đạt 3.128 tỷ đồng, bằng gần 91% dự toán cả năm, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ” nên hoạt động dịch vụ, vận tải hàng hóa vẫn lưu thông, nhất là ở các cửa khẩu. Từ đầu năm 2021 đến nay, cảng biển Cửa Việt luôn nhộn nhịp hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh. Hàng nhập khẩu mang lại nguồn thu ngân sách lớn nhất là các thiết bị điện gió, do trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án điện gió đang thi công để hoàn thành trước ngày 31/10/2021 nhằm được hưởng các chính sách ưu đãi. Nhờ đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt thu ngân sách đạt hơn 772 tỷ đồng, vượt 206% chỉ tiêu đề ra của năm 2021. Tương tự hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế: Lao Bảo, La Lay cũng diễn ra sôi động nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên ảnh 3Nông dân huyện Cam Lộ thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Kiểm soát tốt dịch bệnh nên tỉnh Quảng Trị đã đặt ra mục tiêu mới về thu ngân sách năm 2021 là 4.500 tỷ đồng, thay vì 3.450 tỷ đồng như kế hoạch trước đó, tăng trên 1.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu mới này, từ nay đến hết năm 2021 tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế như: Tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án có số vốn đầu tư lớn.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì cũng đã giúp tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ 15 tỷ đồng cho khoảng 15.000 người dân là con em quê hương Quảng Trị lưu trú tại các tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ngoài ra tỉnh đã vận động quyên góp hàng nghìn tấn hàng hóa, hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người dân các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

* Xác định hướng đi đột phá

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định hướng đi tạo đột phá là ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng để đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung, đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông.

76 năm Quốc khánh: Vùng “đất lửa” Quảng Trị với khát vọng vươn lên ảnh 4 Lắp cánh điện gió vào thiết bị tại bãi tập kết cánh điện gió của dự án điện gió Liên Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Hiện nay ở vùng miền núi phía Tây, tỉnh có 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.000MW; trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ xem xét bổ sung quy hoạch. Dự kiến trước ngày 1/11/2021, tỉnh có thêm 18 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án điện gió phát điện thương mại lên 20.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Thu hút đầu tư vào làm điện gió là chủ trương đúng vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 – 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường. Minh chứng là làm 1 MW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất, trong đó có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời.

Ở Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị đang triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 1 Quảng Trị với công suất 1.320 MW, có tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng. Ngoài ra có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đã và đang triển khai đầu tư. Trong số đó, Nhà máy điện khí công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư. Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 với công suất 1.500 MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh. Dự án điện khí còn lại có công suất 4.500 MW, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ USD đang chuẩn bị thủ tục đầu tư. Nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện khí này dự kiến khai thác từ mỏ khí Kèn Bầu ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị.

Tỉnh cũng đang triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng, giao thông để tăng liên kết vùng và quốc tế. Đó là cảng biển nước sâu Mỹ Thủy được xây dựng tại Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị có vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Cảng hàng không Quảng Trị tại huyện Gio Linh có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2021. Quốc lộ 9 tức Hành lang kinh tế Đông-Tây, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài khoảng 14 km đang được nâng cấp. Các dự án: Quốc lộ 15D nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài khoảng 92 km vốn đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng dự kiến; Tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình dài gần 56km với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm