75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Xúc động những lá thư tình thời chiến của nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang thăm hỏi, tặng quà bà Phương Thị Bích Ngân, vợ liệt sĩ, nhà báo Thẩm Đức Hòa (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang thăm hỏi, tặng quà bà Phương Thị Bích Ngân, vợ liệt sĩ, nhà báo Thẩm Đức Hòa (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Trong cái nắng gắt của những ngày tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình nhà báo liệt sỹ Thẩm Đức Hòa, phóng viên quân sự của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), đã hy sinh năm 1967 tại Mặt trận phía Tây Thừa Thiên – Huế.

75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Xúc động những lá thư tình thời chiến của nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa ảnh 1Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang thăm hỏi, tặng quà bà Phương Thị Bích Ngân, vợ liệt sĩ, nhà báo Thẩm Đức Hòa (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đón chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, đầy ắp kỷ vật của hai vợ chồng, bà Phương Bích Ngân, vợ của nhà báo liệt sỹ Thẩm Đức Hòa đã xúc động kể lại câu chuyện tình của ông bà trong suốt những năm kháng chiến.

Những lá thư tình rực lửa

Căn phòng nhỏ của bà Phương Bích Ngân, vợ nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa đầy ắp những kỷ vật, đó là những bức ảnh chụp ông bà, ảnh gia đình, nhiều lá thư đã ố vàng, mòn vẹt do thời gian; các bài báo, cuốn sách viết về ông bà và cả những lá thư tình rực lửa, được bà Phương Bích Ngân nâng niu cất giữ như báu vật.

Bà Phương Bích Ngân kể, chồng bà, nhà báo liệt sỹ Thẩm Đức Hòa sinh năm 1931, năm 1947, khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng, là liên lạc trong Đội du kích Hồng Hà. Anh trai bà khi ấy là Đội trưởng Đội du kích Hồng Hà rất quý mến người liên lạc trẻ, yêu văn thơ của Đội, nên ông đã “chấm” và có ý sắp đặt cho cô em gái nhỏ của mình.

Sau nhiều lần gặp gỡ, thư từ, đầu năm 1955, chàng trai Thẩm Đức Hòa, khi ấy là cán bộ chính trị thuộc Đại đoàn 308 đã viết thư ngỏ lời yêu và muốn cưới cô y tá thuộc Trung đoàn 238 Liên khu Việt Bắc. Lá thư đề Tết hòa bình Ất Mùi. Phần trên cùng của lá thư vẽ hình con chim bồ câu đang bay lên, biểu trưng cho hòa bình, một cành đào biểu trưng cho Tết và hình ảnh một anh bộ đội đang cầm súng đứng gác. Trong thư ngỏ lời yêu, chàng cán bộ chính trị Thẩm Đức Hòa phân tích mối quan hệ về cách mạng, quan hệ về lý tưởng, hoàn cảnh gia đình và quan hệ về vật chất. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về "mối quan hệ biện chứng" giữa hai gia đình cách mạng và hai người… Lá thư có đoạn viết: "Anh và em cùng ở bộ đội, cùng một chí hướng, điều đó là chúng ta hiểu nhau sâu sắc tuy không ở gần nhau… Chúng ta phục vụ cách mạng. Cách mạng thắng lợi, tất nhiên chúng ta sẽ có hạnh phúc đầy đủ...".

Bà Phương Bích Ngân tâm sự. "Ngày ấy, những dòng chữ đó đối với tôi thật nghiêm túc, thiêng liêng và tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cho dù đã thuộc lòng, nhưng vẫn mở ra đọc để nhìn lại nét chữ thân yêu của anh ấy…"

Năm 1956, ông bà làm lễ cưới. Do hoàn cảnh cả hai đều là bộ đội nên ông bà ít có điều kiện gần nhau, những lá thư cháy bỏng tình yêu thương đã trở thành những “liều thuốc” kỳ diệu, giúp ông bà vượt khó khăn trong công tác và trong đời thường.

Năm 1960, ông Thẩm Đức Hòa chuyển công tác, trở thành phóng viên quân sự của Việt Nam Thông tấn xã. Ông là một phóng viên năng nổ, xông xáo, luôn bám sát các sự kiện thời sự và có những bài viết sinh động, hấp dẫn.

Do đặc thù công việc, ông Hòa thường xuyên phải đi công tác xa, nên ông bà cũng ít gặp nhau. Những lần đi công tác dài ngày, tuy tất bật công việc, nhưng nhà báo Thẩm Đức Hòa vẫn thường xuyên viết thư cho vợ, khi từ Nam Định, khi từ vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị)... Trong thư, ông ít khi kể về gian khổ, bom đạn ác liệt, mà thường kể cho gia đình nghe về cảnh sắc đẹp của quê hương Việt Nam, kể những chuyện vui ở đơn vị, chiến đấu và chiến thắng của quân ta…

Vừa lật giở những lá thư ố vàng, bà Phương Bích Ngân vừa kể: "Tháng 5/1966, chồng tôi tình nguyện đi chiến trường. Tôi nhớ mãi giờ phút chia tay lưu luyến trên đê sông Hồng. Anh ôm chặt tôi và con gái Thẩm Hồng Dung vào lòng, nghẹn ngào nói: Bằng giá nào em cũng phải nuôi các con và nuôi mẹ đến cùng. Linh tính như mách bảo tôi điều gì đó, nhưng tôi không dám nghĩ đến, chỉ biết hứa với chồng, sẽ cố gắng chăm sóc mẹ và nuôi các con khỏe mạnh".

Dọc đường hành quân, nhà báo Thẩm Đức Hòa liên tục viết thư gửi về động viên vợ. Trong lá thư gửi vợ nhân kỷ niệm 10 năm ngày cưới, ông viết: "Kỷ niệm 10 năm ngày cưới của chúng ta, anh hứa mở tiệc chiêu đãi em trọng thể. Anh vẫn mong muốn làm điều này mỗi khi ngày cưới đến nhưng không lần nào thực hiện được. Lần này, ngày cưới đến chúng mình lại xa nhau. Yêu nhau chân thành chắc em sẽ không buồn mà còn phấn khởi gấp mười lần trước. Kỷ niệm ngày cưới sẽ là ngày chiến đấu cho hạnh phúc của con cái chúng ta, ngày hiến dâng cuộc đời ta cho Đảng, xác định quyết tâm chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng em nhỉ!...".

Một lá thư khác, ông viết: "Anh nghe tin giặc Mỹ bắn phá Gia Lâm, anh rất lo cho em và các con, lo cho mẹ. Anh càng căm thù giặc Mỹ và càng quyết tâm chiến đấu, chịu đựng mọi gian khổ, vượt mọi khó khăn để tiêu diệt chúng. Chúng ta tạm xa nhau, để rồi sống bên nhau mãi mãi, khắc phục khó khăn tạm thời để giành lấy hạnh phúc lâu dài"…

Lá thư cuối cùng, nhà báo Thẩm Đức Hòa viết ngày 19/11/1967, nhân kỷ niệm một năm ngày vợ được kết nạp Đảng, ông gửi thư tâm sự với “người đồng chí thân thiết nhất của mình”, mong muốn vợ mình trở thành đảng viên tốt và không quên dặn dò: “Anh vẫn khỏe, đủ sức đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta đến thắng lợi huy hoàng”. Trong thư, nhà báo Thẩm Đức Hòa còn hình dung cảnh mình về nhà, rồi cả nhà sẽ liên hoan tưng bừng, rồi kéo nhau đến nhà họ hàng, làng xóm chơi… Nhưng không ngờ, đó lại là lá thư cuối cùng mà nhà báo Thẩm Đức Hòa gửi về cho gia đình. Bốn ngày sau, ngày 23/11/1967, nhà báo Thẩm Đức Hòa hy sinh tại mặt trận phía tây Thừa Thiên - Huế.

Từ cuối năm 1967, không còn nhận được thư chồng, cũng không thấy có những bài báo ký tên ông, bà Phương Bích Ngân đã đoán có tin xấu, nhiều đêm bà khóc vì lo sợ... Nhưng rồi bà lại tự an ủi mình, có thể do thư bị thất lạc, có thể ông viết bài nhưng lấy bút danh khác. Mỗi khi mẹ chồng hỏi có hay nhận được thư không, vì không muốn mẹ lo lắng, bà lại nói dối vẫn nhận được thư chồng gửi về. Để động viên mẹ chồng, bà lấy thư cũ của chồng ra, sửa lại đôi chỗ rồi đọc lại cho mẹ chồng nghe, để bà tin là thư mới gửi... Mãi đến năm 1970, đơn vị gửi giấy báo tử về, bà Ngân bàng hoàng đau đớn, còn mẹ chồng khi đó mới biết, con dâu mình đã phải chịu đựng nỗi đau một mình mấy năm qua.

Thư viết gửi chồng liệt sỹ

Từ khi chồng hy sinh, bà Phương Bích Ngân giữ gìn những bức thư của chồng như báu vật. Với bà, những lá thư cháy bỏng tình yêu thương của chồng đã tiếp thêm sức mạnh cho bà từ đó đến nay. “Đối với tôi, những bức thư đó là nguồn động viên lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua mọi khó khăn, sống được đến ngày nay, chăm sóc chu đáo mẹ chồng và nuôi các con trưởng thành như lời chồng tôi nhắn nhủ trong ngày anh lên đường”, bà Phương Bích Ngân xúc động chia sẻ.

Bà Phương Bích Ngân kể, dù chồng bà hy sinh đã nhiều năm, nhưng bà vẫn giữ thói quen viết thư tâm sự, chia sẻ mọi chuyện trong gia đình với chồng. Bởi thế, những ngày tháng sau này, mỗi khi buồn nhớ, những đêm mất ngủ hay khi gia đình có công việc, bà lại viết thư gửi người chồng liệt sỹ của mình. Trong thư, bà kể cho chồng nghe mọi chuyện xảy ra trong gia đình, bà kể về nỗi nhớ thương chồng của mình, kể về người mẹ già nhớ thương con… Những bức thư ấy sau khi viết xong, bà đặt lên bàn thờ thắp hương, rồi đọc cho ông nghe...

Những năm 1994-1995, khi chưa tìm thấy mộ nhà báo Thẩm Đức Hòa, gia đình không yên lòng, bà đã viết thư cho chồng bày tỏ với niềm mong mỏi tìm được phần mộ, đưa hài cốt ông về quê, sau đó bà đốt thư gửi đi… Một thời gian sau, trong một cơ duyên, bà gặp được đồng đội cũ của chồng từng công tác ở Thông tấn xã Giải phóng, Phòng Thông tấn quân sự, Phát thanh Quân đội nhân dân... Sau đó, bà may mắn được Thiếu tướng Phan Khắc Hải, khi ấy là Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cùng công tác với nhà báo Thẩm Đức Hòa thời kháng chiến chống Mỹ, báo tin đã xác định được nơi chôn cất liệt sỹ Thẩm Đức Hòa ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Năm 1996, được sự giúp đỡ của cơ quan Tổng cục Chính trị, Thông tấn xã Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế, hài cốt của nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa đã được đưa về quê nhà (xã Long Biên, huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên, Hà Nội).

Từ ngày đưa được chồng về quê nhà, bà Phương Bích Ngân vẫn viết thư cho chồng, nhưng lúc này, vì ông đã ở gần rồi, nên bà viết rồi để đó đọc cho ông nghe, chứ không đốt đi như trước nữa.

Trong số những lá thư viết gửi chồng liệt sỹ, lá thư bà viết lúc 3 giờ 26 phút ngày 25/5/2005 có đoạn: "Mới hơn 3 giờ sáng, tự nhiên em đã thức giấc và nhớ đến anh, thế là không ngủ nữa mà muốn tâm sự với anh như trước chúng mình ngồi bên nhau, nằm bên nhau tâm sự đủ mọi chuyện. Nhưng hôm nay thì lại khác hoàn toàn. Em có một mình, sự cô đơn trống vắng làm em nhớ đến anh vô hạn, người mà em thương yêu nhất trong cuộc đời này. Những ước mong sẽ được sống với nhau trọn đời, song đã không được như vậy...".

Một lá thư khác, bà viết lúc 2 giờ 35 phút ngày 27/5/2005, nhắc lại kỷ niệm hồi hai người mới yêu nhau, về ngày cưới. Trong thư có đoạn viết: "Ngày 24/6/1956, đơn vị tổ chức lễ thành hôn cho anh và em, chỉ liên hoan bánh kẹo đơn giản do anh Đặng chuẩn bị. Hai chúng mình cùng mặc quân phục. Đơn vị chuẩn bị cho anh một bó hoa rừng đủ các loại màu xanh, đỏ, tím, vàng... Anh em cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị hô to "hôn nhau đi". Anh liền hôn vào bó hoa rồi trao cho em. Anh quả là xử lý tình huống rất thông minh, cứu "bàn thua" cho em, nếu không thì xấu hổ chết"…

Lá thư viết ngày 1/7/2005, bà kể với chồng về công việc hiện nay của các con, kể về việc bà đã mang các ảnh cũ của chồng đi phục chế lại để các con, cháu được nhìn thấy chân dung của cha, ông chúng, trong đó có đoạn: "Nếu như con, cháu không biết mặt cha, ông thì em sẽ là người có lỗi với anh và các con. Vì vậy mà em phục chế các ảnh của anh để lại, coi đó là một việc làm thiêng liêng, làm lòng em thanh thản trong cái tuổi mà em cho rằng mình cũng sắp về với tổ tiên rồi".

Ngày 1/10/2005, nhân kỷ niệm lần thứ 74 ngày sinh của chồng, bà đã viết một bức thư khá dài gửi người đã khuất: "Hồi anh ra đi và không bao giờ trở lại, em còn quá trẻ, chăm mẹ già và 3 đứa con nhỏ cho anh... Em vừa làm cha, vừa làm mẹ của các con. Mà làm cha thì khó quá. Vì vậy mà em đã có lỗi với anh. Con nó không trưởng thành được như mong muốn của anh và em. Anh hãy tha lỗi cho em. Em cũng chỉ biết rèn mình trong mọi lúc, mọi nơi, cố gắng trở thành người tốt để các con noi theo gương bố, mẹ…”.

Năm 2006, một nhà báo của báo quân đội đến gặp bà phỏng vấn viết bài, thấy những lá thư đó là những tư liệu quý, ông đã giúp gia đình in thành một tập sách mang tên “Liệt sỹ vẫn nhận được thư”.

55 năm trôi qua kể từ khi nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa hy sinh, trải qua bao gian nan, vất vả, bà Phương Bích Ngân đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với chồng, chăm sóc mẹ chồng chu đáo, nuôi dạy các con nên người, có cuộc sống thành đạt.

Nhiều năm qua, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đại diện Thông tấn xã Việt Nam, quân đội và các ban, ngành Trung ương, địa phương đều đến thăm hỏi, động viên gia đình, thắp hương tưởng niệm nhà báo - liệt sỹ Thẩm Đức Hòa.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đã đến thăm, tặng quà và động viên gia đình. “Qua đây, tôi xin gửi lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả. Sự quan tâm động viên, chia sẻ của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, của đồng đội, các ban, ngành, đoàn thể đã phần nào động viên và giúp gia đình tôi nguôi ngoai nỗi đau về sự mất mát, tiếp tục sống và làm việc có ích cho xã hội”, bà Phương Bích Ngân xúc động bày tỏ.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm