75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Hành trình gần 40 năm khắc khoải tìm cha

75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Hành trình gần 40 năm khắc khoải tìm cha

Từ tìm kiếm trong vô vọng, cho đến khi tìm được mộ và đưa được hài cốt liệt sỹ về nơi an nghỉ là cả một câu chuyện dài, một hành trình nhọc nhằn nhưng cũng đầy ắp tình người đối với thân nhân liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng (tên thật là Hoàng Văn Đáo) - nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng khu V, hy sinh tháng 5/1972 tại căn cứ Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong một trận bom B52 của đế quốc Mỹ.

Cho đến bây giờ, ký ức về những ngày tháng nhọc nhằn tìm cha vẫn còn nguyên vẹn đối với anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Đáo.

Nhọc nhằn tìm cha


Trong ngôi nhà nhỏ nằm tĩnh lặng ở thôn Triều, xã Tân Dân, huyện Chí Linh, Hải Dương, thân nhân của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo đã xúc động kể cho chúng tôi nghe hành trình gần 40 năm tìm kiếm mộ của gia đình.

Qua câu chuyện kể cùng những tài liệu mà anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Đáo cung cấp, chúng tôi được biết, liệt sỹ Hoàng Văn Đáo sinh năm 1930, là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 18 tuổi, ông vào bộ đội, đóng quân ở Nam Định, sau đó xây dựng gia đình với bà Đặng Thị Khuy. Hòa bình lập lại, ông Hoàng Văn Đáo chuyển sang công tác ở Vụ Nghiên cứu Trung ương. Năm 1964, với tinh thần miền Bắc xây dựng Xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, ông Hoàng Văn Đáo lên đường đi B cùng với đoàn của Bưu điện vào Quảng Đà. Trong thời gian công tác, ông Hoàng Văn Đáo đều đặn viết thư về gia đình. Nhưng từ giữa năm 1972, gia đình không còn nhận được thư của ông.

Anh Hoàng Hữu Nam kể: Từ năm 1972 bặt tin, cho đến sau ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong làng những người còn sống lần lượt trở về, những người hy sinh cũng nhận được giấy báo tử, riêng gia đình tôi cứ khắc khoải chờ tin bố mà không thấy. Mẹ tôi tìm đến các cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, lên cả Trung ương để hỏi tin tức của bố nhưng cũng không hỏi được, mãi đến năm 1978, gia đình mới nhận được giấy báo tử, ghi bố tôi hy sinh tháng 5/1972 tại chiến trường miền Nam, không có mộ chí. Gia đình cũng không biết địa chỉ cụ thể nơi bố tôi làm việc và hy sinh trong hoàn cảnh nào.

Có nỗi đau nào bằng con mất cha, vợ mất chồng. Với gia đình tôi, nỗi đau ấy càng không thể nguôi ngoai, nhất là khi thấy những liệt sỹ hy sinh trên chiến trường dần được gia đình tìm và đưa về quê an táng. Có những những người hy sinh ở đất bạn Lào, Campuchia, cũng được đưa về quê hương, tổ chức lễ truy điệu một cách trang trọng. Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại buồn tủi, rồi khóc cạn nước mắt. Nhìn mẹ mà tôi không cầm lòng được. Mỗi lần kể chuyện về bố cho chúng tôi nghe, cuối cùng mẹ tôi lại kết luận một câu: Thương bố con cả đời đói khổ, nay lại chết nơi đất khách quê người. Không biết bố con chết có được nguyên vẹn không, có ai hương khói cho, cúng bố vào ngày báo tử liệu có đúng không?... Câu nói đó cứ ám ảnh trong suốt thời tuổi trẻ của tôi. Cả đời tôi, thèm một câu gọi bố mà không được… anh Hoàng Hữu Nam nghẹn ngào nhớ lại.

Năm mẹ 75 tuổi, thấy sức khỏe mẹ đã yếu, mà tâm nguyện của mẹ vẫn chưa được hoàn thành, anh Nam không yên lòng, nên dù đang là sỹ quan trong quân đội, nhưng tháng 9/2007, khi vừa đủ 25 năm công tác, anh Nam đã xin nghỉ hưu sớm để dành thời gian đi tìm mộ bố.

Do không có thông tin, nên hành trình tìm bố của anh Hoàng Hữu Nam như mò kim đáy bể. Tổng hợp thông tin trong 2 năm, đến ngày 24/9/2009, anh Nam quyết định lên đường đi tìm mộ bố.

Điểm đến đầu tiên của anh là nghĩa trang Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nhưng không có. Trong quá trình đi tìm, anh Nam được anh Mai Anh Súy – Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc giới thiệu và cho số điện thoại của nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, nhưng do ghi nhầm số điện thoại, nên anh không liên lạc được. Sau đó, anh tiếp tục tìm kiếm ở các nghĩa trang tại huyện Điện Bàn và xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Anh dự định đi Bắc Trà My, Quảng Nam, nhưng do ảnh hưởng của bão số 9, nên phải quay ra Bắc.

Tình cờ, trên chuyến tàu ra Bắc, anh Nam gặp một người cũng đang đi tìm mộ đồng đội ở Liên khu 5. Qua cuộc trò chuyện, biết anh Nam đang đi tìm mộ bố. Dựa trên công việc mà anh Nam kể, người này đã khuyên anh Nam nên đến một số nơi như tạp chí Văn nghệ quân đội để hỏi, có thể sẽ biết được thông tin. Nghe lời khuyên, anh Nam tìm đến tạp chí Văn nghệ quân đội, may mắn gặp được nhà văn Nguyễn Chí Trung, sau khi nghe câu chuyện của anh, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã liên lạc với những người đồng đội trước đây ở cùng Liên khu 5 và cũng giới thiệu anh Nam gặp ông Hồ Duy Lệ.

“Tôi đã khóc khi chào ông Trung ra về, trong lòng tràn ngập niềm vui và niềm hy vọng”, anh Hoàng Hữu Nam nhớ lại. Sau đó, nhà văn Hồ Duy Lệ giới thiệu anh Nam với ông Trương Ngọc Phương, Phó Tổng biên tập báo Đà Nẵng khi đó, ông Phương rất nhiệt tình giúp đỡ và đã chắp mối cho anh Nam gặp những người khác, sau khi củng cố thêm chứng cứ, anh Nam xác định, liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng hy sinh cùng 4 đồng đội trong hang điện đài trên núi Hòn Tàu mà báo Đà Nẵng đưa tin trước đó chính là bố mình.

Niềm vui vượt quá sự mong đợi


Qua nhà văn Hồ Duy Lệ và nhà báo Trương Ngọc Phương, anh Hoàng Hữu Nam biết được số điện thoại của nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên Tổ trưởng Tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà khi đó, anh lập tức liên hệ và đến gặp nhà báo Dương Đức Quảng. Qua lời kể của nhà báo Dương Đức Quảng, anh Hoàng Hữu Nam và gia đình mới biết, bố anh - liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng vốn là điện báo viên ngành bưu điện, vào công tác trong Quảng Đà từ năm 1964. Năm 1972 do sức khỏe yếu, ông đã có quyết định ra Bắc chữa bệnh. Thời điểm đó, Thông tấn xã Giải phóng thiếu điện báo viên, nên ông Hoàng Quốc Thăng được cử sang tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà trong thời gian chờ có đoàn ra Bắc. Ông Thăng chịu trách nhiệm là điện báo viên phát tin của phóng viên ra Hà Nội.

Trụ sở của Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà khi đó là một cái hang đá trên núi Hòn Tàu, nơi Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng quân. Hang đá đó là nơi đặt máy phát tin 15W của Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà. Từ trong hang đá này, các phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng đánh "mooc" để chuyển thẳng tin "minh ngữ" (không qua mật mã) ra Hà Nội. Chính vì thế những nơi đặt điện đài của Thông tấn xã Giải phóng đều là mục tiêu dễ lộ đối với các loại máy bay ném bom của Mỹ. Ngày 22/5/1972, một trận bom Mỹ đã đánh trúng hang đá, lấp kín cửa hang và vùi cả 5 đồng chí, trong đó điện báo viên Hoàng Quốc Thăng. Hang đá trên núi Hòn Tàu, nơi ở của các phóng viên đã thành ngôi mộ chôn chung 5 đồng chí hy sinh.

Gần 40 năm kể từ ngày liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng hy sinh, nhà báo Dương Đức Quảng, một số bạn bè và cả cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đều đi tìm mà không thể tìm được quê quán và người thân của liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng, bởi mọi người chỉ biết liệt sỹ quê ở Hải Dương, nhưng không biết ở huyện, xã nào và tên thật là gì. Thêm vào đó, liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng tên thật là Hoàng Văn Đáo, trước khi vào chiến trường, ông mới đổi tên, chính vì vậy, công tác tìm kiếm càng khó khăn hơn gấp bội.

Với gia đình liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng cũng vậy. Ở nhà, mọi người chỉ biết ông tên Hoàng Văn Đáo, bà Đặng Thị Khuy, vợ liệt sỹ cũng chỉ biết chồng theo đoàn cán bộ của ngành Bưu điện, vào chiến trường nhiều năm và công tác tại tỉnh Quảng Đà. Sau lá thư cuối cùng đầu năm 1972 ông viết thư về gia đình, báo tin sắp được ra Bắc chữa bệnh thì bặt vô âm tín, gia đình hoàn toàn không nhận được thông tin gì nữa. Gia đình cũng hoàn toàn không biết ông là điện báo viên của Thông tấn xã Việt Nam và có tên trong danh sách liệt sỹ của cơ quan.

Ngay sau khi có thông tin về gia đình liệt sỹ, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đã cử cán bộ về tận nhà, ở thôn Triều, xã Tân Dân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương thăm hỏi, tặng quà và trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn xã, ghi nhớ những đóng góp của liệt sỹ Hoàng Quốc Thăng với sự nghiệp báo chí nước nhà. Gia đình liệt sỹ cũng rất mừng khi có thêm thông tin về nơi ông đã công tác và hy sinh.

Anh Hoàng Hữu Nam tâm sự, khi biết chính xác nơi bố nằm lại, nhưng nghe tin bố cùng đồng đội nằm trong hang đá lạnh lẽo bao năm, tôi cứ nghĩ đến là không cầm được nước mắt. Khi đó tôi nghĩ, nếu không thể đưa được bố ra, bố mãi nằm lại trong hang đá, thì thật đau lòng và gia đình không thể yên lòng, không bao giờ nguôi được nỗi đau…

Cho đến giữa năm 2011, thể theo nguyện vọng của thân nhân 5 liệt sỹ hy sinh ở hang đá Hòn Tàu, được sự giúp đỡ của các đơn vị chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, công việc cất bốc hài cốt liệt sỹ trong hang núi Hòn Tàu mới chính thức được tiến hành. Gần 100 kg thuốc nổ đã được các chiến sỹ công binh sử dụng để phá vỡ và chuyển dịch các khối đá lớn trên đỉnh hang, tạo điều kiện để các thợ đá thủ công phá dỡ từng tảng đá lớn che lấp hài cốt liệt sỹ. Sau hơn 10 ngày làm việc liên tục, cật lực, hài cốt các liệt sỹ đã được cất bốc, dù không còn nguyên vẹn. Liệt sỹ Hoàng Văn Đáo được đưa ra ngoài cùng với các hiện vật mà ông luôn mang theo bên mình, kết thúc 39 năm mỏi mòn chờ đợi và không ngừng tìm kiếm của gia đình, cơ quan.

Anh Hoàng Hữu Nam xúc động kể, khi quyết định đi tìm, gia đình tôi chỉ mong biết được bố tôi hy sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Nhưng không ngờ, từ việc tìm kiếm trong vô vọng, gia đình tôi đã tìm được đầy đủ thông tin về nơi bố tôi công tác và hy sinh, lại đưa được ông về nơi an nghỉ thực sự vượt quá sức tưởng tượng, vượt quá sự mong đợi của gia đình. Gia đình tôi vô cùng vui mừng, mẹ tôi được an ủi và thanh thản sống những năm cuối đời.

Anh Hoàng Hữu Nam cho biết, kể từ khi kết nối và tìm được thông tin về liệt sỹ Hoàng Văn Đáo năm 2009, từ đó đến nay, vào những dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, vào dịp lễ, Tết, gia đình anh đều nhận được sự thăm hỏi, động viên, giúp đỡ của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

“Những hành động như tạo việc làm cho con liệt sỹ, thăm khỏi thân nhân liệt sỹ khi ốm đau, tặng quà dịp lễ, Tết… đã trở thành nguồn động viên lớn lao, giúp vơi bớt nỗi đau mất mát cho gia đình tôi. Chúng tôi thêm tự hào, vinh dự vì bố chúng tôi là cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam”, anh Hoàng Hữu Nam xúc động chia sẻ.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm