60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối)

Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ phải mang vác nặng nề, cán bộ Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam)  vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt liên tục. Những kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng có nhiều đóng góp quan trọng, hợp thành Đội quân Thông tấn nhưng họ luôn thầm lặng sau những dòng tin từ chiến trường. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020), Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài cuối trong chùm 5 bài viết nói về những kỹ thuật viên, điện báo viên – lực lượng hình thành nên bộ 3 quan trọng, không thể thiếu trong việc duy trì mạch máu thông tin giữa “mưa bom, lửa đạn”. 

60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối) ảnh 1Phóng viên Thanh Phong của TTXGP tại Quảng Trị (bên phải) nói chuyện với một gia đình nuôi cán bộ cách mạng tại thị xã Quảng Trị năm 1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bài cuối: Duy trì làn sóng điện những ngày giải phóng

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, TTXVN nói chung, Thông tấn xã Giải phóng nói riêng có hơn 260 liệt sỹ, trong đó có rất nhiều kỹ thuật viên, điện báo viên đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, nhiều người hy sinh khi đang truyền những dòng tin cuối cùng về căn cứ, cũng có những người kiên cường chiến đấu với địch để bảo vệ căn cứ, thước phim, thiết bị máy móc… Họ là lực lượng có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao trong những thành tích mà Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, Việt Nam thông tấn xã nói chung (nay là TTXVN) đã đạt được.

Giải phóng Sài Gòn

Hòa chung dòng thác thông tin trong những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sai Gòn, giải phóng miền Nam, lực lượng kỹ thuật viên, điện báo viên miệt mài duy trì làn sóng điện trước, trong và sau khi giải phóng.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, Thông tấn xã Giải phóng tiếp tục tung ra hai cánh quân lớn gồm nhiều mũi, bám theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều tổ phóng viên, điện báo gấp rút được thành lập, khẩn trương bám theo các đơn vị tác chiến ra chiến trường, cùng bộ đội triển khai các mũi tiến công vào Sài Gòn.

60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối) ảnh 2Phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Việt Nam Thông tấn xã khóa GP10 trên tàu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khi cuộc tổng tấn công bước vào thời điểm quyết định, Thông tấn xã Giải tiếp tục cử nhiều tổ phóng viên chiến trường tỏa đi các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận Sài Gòn. Trong số này, các nhà báo Minh Lộc và Huy Hoàng cùng các điện báo viên Vũ Duy Bích, Chiến đi Y4; tổ của nhà báo Thanh Bền, theo đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (đoàn I4), là mũi “thọc sâu” đầu tiên từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn. Nhà báo Bùi Thanh Liêm được giao làm Tổ trưởng tổ thông tin cánh quân 232 của mặt trận Tây - Tây Nam tiến về Sài Gòn cùng với phóng viên ảnh Nông Quang Khanh và 3 điện báo viên Nguyễn Thanh Tâm, Mai Hữu Phúc, Nguyễn Ngọc Lan… Mỗi nhóm tối thiểu là 3 người gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh và điện báo viên. Trong thời điểm quan trọng nhất, các ê kíp Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng xuất bản những dòng tin, những bài viết, ghi nhanh hàng ngày, hàng giờ và chuyển về chiến khu R để được chuyển phát tiếp ra Tổng xã tại Hà Nội.

60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối) ảnh 3Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Nhớ về thời khắc chuyển những bức ảnh đầu tiên về giải phóng Sài Gòn về Tổng xã, ông Đỗ Thanh Chất, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng, bồi hồi kể: Đêm 29/4/1975 pháo binh của ta bắt đầu mở màn chiến dịch. Sáng 30/4, sau khi lên sóng phát tín hiệu chờ với đầu Tổng xã, tôi mở đài Sài Gòn suốt buổi thấy đài này chỉ phát nhạc suông. Khoảng giữa trưa bỗng vang lên tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh trên sóng. Tầm 5 giờ chiều 30/4/1975, một chiếc Honda 90 xé gió phóng như bay về căn cứ. Đón lấy túi ảnh từ hai đồng chí giao liên lấm lem bụi đường, bìa có ghi: “Gửi T.Chất telept phát HN”. Dòng chữ ngắn ngủi của Tổng giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân như 1 mệnh lệnh chiến trường khiến tôi lao xuống hầm máy nhanh chóng thao tác, bấm nút phát đi những tấm ảnh đầu tiên về những khoảnh khắc giải phóng Sài Gòn.

60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối) ảnh 4Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Để thông tin nhanh nhất về chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, đội quân Thông tấn xã Giải phóng đã liên tục cập nhật tình hình chiến dịch. Tin, ảnh do phóng viên thực hiện được các kỹ thuật viên, điện báo viên hoạt động với tinh thần “thần tốc” chuyển về căn cứ, chuyển về Tổng xã ở Hà Nội. Tới phiên làm việc 8 giờ tối ngày 30/4/1975, Tổ Thông tấn xã Giải phóng đã kịp điện gửi bài đầu tiên cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng ở R. Đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng duyệt trực tiếp bài “Sài Gòn sau vài giờ giải phóng”. Nhà báo Thanh Bền kể lại: “Tôi vừa viết xong trang nào, xé sổ đưa cho báo vụ điện ngay, không kịp dò lại. Các anh Thiêm, Chức xoay trần thay nhau quay ragono. Mồ hôi nhỏ giọt xuống ragono nghe xèo…xèo. Các đồng chí Tiệp, Mến tranh nhau điện tin. Tiếng tít – te – tít giòn tan như bản nhạc mừng đại thắng”.

Trên mặt trận thông tin lúc bấy giờ, những cán bộ kỹ thuật, những điện báo viên luôn là những người lặng thầm sau những dòng tin. Họ đảm nhiệm việc thu, phát những dòng thông tin kịp thời, chính xác trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, góp phần không nhỏ cùng phóng viên tin, ảnh hoàn thành nhiệm vụ của Thông tấn xã Giải phóng.

Đảm bảo thông suốt làn sóng điện

Những ngày đầu giải phóng, bộ phận kỹ thuật điện báo viên - đóng ở nhà một trung tướng ngụy ở đường Trương Định, dùng máy thu phát 15 W chuyển tin theo dạng dùng tín hiệu morse chuyển tin của các phóng viên viết từ Sài Gòn ngược vào trong căn cứ, rồi từ căn cứ R phát tiếp bằng thiết bị teletype ra Hà Nội. Còn hình ảnh chụp được thì giao phim cho giao liên hỏa tốc phóng xe Honda trở về căn cứ (cách Sài Gòn khoảng 150 km) tráng, rửa, phát telephoto ra Hà Nội.

Cùng lúc, bộ phận kỹ thuật Thông tấn xã Giải phóng đã sang Bưu điện Sài Gòn, Trung tâm Viễn thông Sài Gòn để nhờ phát tin, chuyển ảnh, nhưng phương thức này cũng rườm rà, phức tạp, tốn kém và bị phá hoại nên không sử dụng được. Cùng lúc, các kỹ sư và kỹ thuật viên đã tìm đủ phụ tùng để sửa chữa, lắp đặt những máy teletype của Thông tấn xã đặt bên cạnh Ban liên lạc quân sự bốn bên từ Trại Davis, Tân Sơn Nhất, đem về 155 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), trụ sở đại diện của Việt Nam thông tấn xã tại miền Nam. Với thiết bị mang từ trại Davis về sửa chữa và lắp đặt lại và phát sóng ra Hà Nội, ngày 6/5/1975, liên lạc từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng teletype đã thông suốt và vài ngày sau cũng phát ảnh bằng telephoto thành công. Đến ngày 15/5/1975, từ 155 Hiền Vương, ngoài phát tin, nhiều ảnh của lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn đã được truyền về Hà Nội bằng máy phát 500W. Sau đó ít ngày, khi “đại quân” Thông tấn xã Giải phóng từ căn cứ kéo về, Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng triển khai máy phát 1kW, chuyển tin ảnh trực tiếp bằng teletype, telephoto từ trụ sở Việt tấn xã ở Sài Gòn ra Việt Nam thông tấn xã, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Nhà báo Hà Huy Hiệp (nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh) kể lại: "Đến 29/4/1975, tôi lại là điện báo viên teletype duy nhất của Thông tấn xã Giải phóng được lệnh lên đường trong đoàn do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu đi tiếp quản Sài Gòn. Chiều 30/4/1975, đoàn đã có mặt tại 116 Hồng Thập Tự, trụ sở của Việt tấn xã của chính quyền Sài Gòn. Trong bộn bề công việc của công tác tiếp quản, các cán bộ kỹ thuật đã nỗ lực, khẩn trương lắp đặt máy móc, thiết bị để một thời gian ngắn sau đó, các dòng tin từ Sài Gòn của Thông tấn xã Giải phóng được truyền ra Việt Nam thông tấn xã ở Hà Nội bằng teletype".

60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Lặng thầm sau những dòng tin (Bài cuối) ảnh 5Nhà báo Hà Huy Hiệp, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh tại nhà riêng trên đường Quốc Hương, Quận 2. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Đến ngày 15/5/1975, từ 155 Hiền Vương, ngoài phát tin, nhiều ảnh của lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn đã được truyền về Tổng xã bằng máy phát 500 W. Sau đó ít ngày, khi “đại quân” Thông tấn xã Giải phóng từ căn cứ kéo về, Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng triển khai bằng máy phát 1 KW, chuyển tin ảnh trực tiếp bằng teletype, telephoto từ trụ sở Việt tấn xã cũ ở Sài Gòn ra Tổng xã Việt Nam thông tấn xã, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Lúc này, bộ phận kỹ thuật của Thông tấn xã Giải phóng đã lắp đặt được một phòng thu phát ảnh trong đó có nhiều máy phát hiện đại kiểu mới. Hàng ngày chuyển nhận trung bình từ 10-12 ảnh cung cấp cho các báo ở hai miền Bắc, Nam. Đồng thời, xây dựng tại Thảo Điền (nay là Quận 2) một đài phát với 4 - 5 máy phát sóng 5kW và một bãi anten để chuyển tải thông tin từ Nam ra Bắc và đi các tỉnh phía Nam mới giải phóng. Cơ sở thông tin tại phía Nam lúc đó đã nhanh chóng giúp cơ quan in và phát hành các bản tin như tin trong nước, quốc tế, tài liệu tham khảo, nghiên cứu cung cấp cho các cơ quan lãnh đạo, báo chí, phát thanh truyền hình cùng với thời gian phát hành tại Hà Nội.

Với những hy sinh, đóng góp thầm lặng, những phóng viên tin, phóng viên ảnh, cán bộ kỹ thuật điện đài, phục vụ công tác thông tin của Thông tấn xã Giải phóng thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ. Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để truyền đi thông tin nhanh nhất, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng sẵn sàng hy sinh như người lính. Đặc biệt, càng trân quý những dòng tin, bài viết dở dang, những cuộn phim chụp giữa chừng, những làn sóng điện đang phát đột nhiên bị tắt… đó là những tác phẩm vô giá được viết bằng máu của bộ đội, của nhân dân hòa cùng máu của các chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng.
Những đóng góp xứng đáng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng là nét son chói lọi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam. Thật vinh dự, vào ngày 1/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thông tấn xã Giải phóng. Danh hiệu cao quý, ghi nhận những đóng góp, hy sinh của đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, Việt Nam thông tấn xã, nay là TTXVN nói chung.

Anh Tuấn – Xuân Khu – Thanh Vũ – Thành Chung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm