Truyền thống gắn kết cộng đồng của người Cơ Tu ở Tây Giang

Truyền thống gắn kết cộng đồng của người Cơ Tu ở Tây Giang
Làng truyền thống Cơ Tu - một biểu tượng của “đoàn kết cộng đồng làng”. Ảnh: baoquangnam.vn
Làng truyền thống Cơ Tu - một biểu tượng của “đoàn kết cộng đồng làng”.
Ảnh: 
baoquangnam.vn

Đoàn kết phát triển kinh tế

Già làng Alăng Đàn (thôn Anoonh, xã A Nông, Tây Giang, Quảng Nam) kể, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã được người Cơ Tu đùm bọc, chở che, nhường cơm sẻ áo. Họ đoàn kết, đồng lòng, góp sức người, sức của để đánh thắng giặc Mỹ thống nhất đất nước. Gần 20 năm trên con đường phát triển của huyện Tây Giang, dù gặp không ít khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Còn theo già làng Bh’ríu Pố (thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang ), nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc như Chương trình giảm nghèo 135, Nghị quyết 30a, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách định canh định cư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ sản xuất… đã góp phần rất lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Cái đói, cái nghèo cũng ít dần đi. Điều quan trọng, trong quá trình sản xuất, tinh thần đoàn kết của người dân lại được phát huy. Họ giúp nhau làm lúa nước, di dời nhà cửa, làm Gươl, làm đường liên thôn, liên xã… “Bao đời nay, người Cơ Tu mình luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau và luôn đoàn kết, giúp đỡ các dân tộc khác đến làm ăn, sinh sống, họ xem nhau như anh em, như đồng chí, đồng bào” - già làng Bríu Pố nói.

Theo số liệu thống kê năm 2018, huyện Tây Giang có 15 thành phần dân tộc; trong đó người Cơ Tu chiếm hơn 92%, còn lại người Kinh, Mường, Tày, Thái, Tà ÔiCa Dong, Hre, Giẻ Triêng, Hoa, Vân Kiều, Co… Với phương châm “An cư mới lạc nghiệp”, khi tái lập huyện, Tây Giang đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư tập trung gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp theo đúng với phong tục Cơ Tu. Phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị văn hóa làng. Đến nay, toàn huyện đã san ủi được 78/95ha mặt bằng để bố trí tái định cư; 10/10 xã có đường ô tô đến trung tâm vào mùa nắng; 62/63 thôn có đường ô tô đến thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa với bên ngoài, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc.

Cùng giữ gìn văn hóa truyền thống

“Đoàn kết cộng đồng làng” là sức mạnh tập thể, được thể hiện rõ nhất trong quá trình lập làng, làm gươl của người Cơ Tu. Nhờ đoàn kết, các công việc chung dù nặng nhọc đến mấy cũng được triển khai nhanh và hiệu quả cao. Tính đoàn kết cộng đồng làng còn thể hiện qua các lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví), lễ tạ ơn rừng, lễ dựng cây nêu…

Thực hiện tốt phương châm “Lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, lấy văn hóa đoàn kết dân tộc”, những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân cùng nhau gìn giữ, phát huy, văn hóa cộng đồng các dân tộc. Đến nay, 62/63 thôn ở Tây Giang đã phục dựng gươl để phục vụ sinh hoạt lễ hội, họp thôn; 8/10 xã có gươl xã.  Huyện cũng đã hoàn thành xây dựng các điểm du lịch cộng đồng như làng truyền thống Cơ Tu, làng cổ Pơr’ning, làng cổ Pơmu. Đặc biệt, Tây Giang đã triển khai xây dựng khu Bảo tàng Cơ Tu tại quảng trường huyện nhằm lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Huyện Tây Giang còn triển khai chính sách thu hút cán bộ các dân tộc vùng miền khác về công các tại địa phương như trường hợp Hồ Văn Tịnh, người Ca Dong (Bắc Trà My). Trong quá trình sinh sống, làm việc cùng các dân tộc khác, anh Tịnh đã có sự hòa nhập, đoàn kết và được lãnh đạo huyện tin tưởng đề bạt làm Phó Chủ tịch UBND xã Dang, rồi Phó phòng Nội vụ huyện. “Về Tây Giang công tác tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Cơ bản, các dân tộc anh em rất hòa đồng, đoàn kết. Về dưới xã công tác, tôi cũng gặp gỡ nhiều cán bộ người Mnông, Mường, Co, Ca Dong, Hre, Giẻ Triêng… Họ sống với nhau rất hòa thuận, giúp đỡ nhau trong công tác” - anh Tịnh tâm sự.

Theo baoquangnam.vn

Có thể bạn quan tâm