Trẻ em buôn làng và sắc phục truyền thống

Trẻ em buôn làng và sắc phục truyền thống
Sự khéo léo của người phụ nữ

Những chiếc khăn, tấm địu thổ cẩm, chiếc mũ, bộ váy mới đều được các bà, các mẹ, các chị ngày đêm miệt mài làm ra để làm đẹp, giữ ấm cho trẻ em. Trang phục, trang sức độc đáo của trẻ em các dân tộc vùng cao trở nên hấp dẫn trong con mắt của du khách. Đứa trẻ có váy áo đẹp thể hiện sự đảm đang và ý thức chăm sóc con cái của người mẹ. Ở một số dân tộc, người ta lại chú trọng đến trang phục của trẻ em hơn cả trang phục cho người lớn.
 
Những bé gái Cơ-tu duyên dáng trong bộ váy áo thời trang.
Những bé gái  Cơ-tu duyên dáng trong bộ váy áo thời trang.

Đặc biệt, người Cơ-tu cũng chăm chút rất nhiều đến cái ăn cái mặc của con em mình, thể hiện nét đẹp của tập quán dân tộc. Trong truyền thống của dân tộc mình, trang phục trẻ em không khác so với trang phục người lớn. Nó chỉ là bộ trang phục người lớn thu nhỏ. Bé trai cũng đóng khố nhưng chiếc khố nhỏ gọn hơn. Bộ váy áo của các bé gái cũng vậy, rất giống với những chiếc áo, chiếc váy của mẹ, của chị. Cho đến ngày nay, ở vùng đồng bào Cơ-tu, trang phục cho trẻ em vẫn còn được giữ gìn, sử dụng và được sản xuất theo lối “tự sản tự tiêu”. Hàng ngày, các em mặc quần áo như trẻ em người Kinh nhưng vào dịp lễ hội thì sắc phục dân tộc được tôn vinh. Váy, áo mới hoa văn hạt cườm đẹp mắt mà mẹ sắm cho được các em mang ra khoe với dân làng.

Trong những sản phẩm truyền thống có những mặc hàng thật sự “sáng giá”, khó có cái gì thay thế được, chẳng hạn tấm địu con của người Cơ-tu. Tấm địu con (aduông kon) là vật không thể thiếu trong gia đình. Địu chính là quà tặng của bà dành cho cháu, là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Từ các bà, các chị cho đến các bé gái lớn đều dùng tấm thổ cẩm này để địu cháu, cõng con, bế em. Khi địu trẻ con, người ta không dùng đôi tay để giữ cháu bé đặt nó trên lưng, khoát chéo tấm vải qua vai để tấm địu ôm lấy thân em bé rồi đưa hai đầu tấm địu vòng ra phía trước ngực để thắt lại với nhau. Đối với trẻ sơ sinh, người ta có thể thay đổi tư thế ngược lại, tức đưa đứa bé từ sau lưng ra trước ngực, tạo thành cái túi “căng gu ru”.
 
Trẻ em dân tộc Gia Rai trong bộ trang phục truyền thống.
Trẻ em dân tộc Gia Rai
trong bộ trang phục truyền thống.

Em bé được bao bọc trong tấm choàng, treo trên lưng hay đeo trên ngực, tựa chắc vào cơ thể của người lớn vừa gọn gàng, đảm bảo vừa, nhẹ nhàng, dịu êm. Mùa nắng thì chúng được che chở để bảo vệ làn da non, mùa lạnh thì chúng được giữ ấm từ thân nhiệt của cơ thể người mẹ truyền sang. Những lúc đi đường xa hay lên nương, xuống đồng thì tấm choàng phát huy công dụng và trở nên tiện lợi nhất. Tấm địu ấy đã gắn với hình ảnh của các bà mẹ miền sơn cước, gợi lên nét nữ tính và cả sự chịu thương chịu khó. Một vẻ đẹp rất nhân văn của người phụ nữ miền núi đã đi vào thơ ca, nhạc, hoạ, nhiếp ảnh, điện ảnh... Chiếc địu có tác dụng giúp những bà mẹ có thể vừa trông con, vừa rảnh tay làm việc: Từ những việc nhẹ nhàng như nấu cơm, giặt giũ, dệt vải đến những công việc nặng nhọc như làm nương, lấy củi, gánh nước... Đứa trẻ được địu có thể chơi, ngủ... trong sự an toàn và quan tâm của người mẹ. Ngày nay, nhiều phương tiện trông trẻ hiện đại nhưng tấm địu con vẫn được đồng bào sử dụng khá phổ biến.

Thể hiện bản sắc dân tộc

Đặc biệt, ở các trường dân tộc nội trú các tỉnh Tây Nguyên, việc sử dụng trang phục truyền thống luôn được quan tâm. Nhà trường mua vải thổ cẩm và đặt may đồng phục theo trang phục của từng dân tộc nhưng có cải biên, cách điệu để phù hợp với từng lứa tuổi và phù hợp với môi trường học đường. Các trường phổ thông cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường vận động phụ huynh sắm sửa trang phục truyền thống cho con em khi đến trường và tham gia sinh hoạt lễ hội cộng đồng. Một số trường phổ thông ở tỉnh Kon Tum, ngoài những bộ đồng phục giữ chất truyền thống dân tộc còn trang bị cho các em tấm choàng thổ. Tấm choàng có khổ rộng bằng chiếc váy để các em che nắng lúc tan trường hoặc trùm ấm thân thể khi mùa đông giá buốt. Việc qui định, qui ước về mặc trang phục truyền thống ở trường học nhằm mục đích cho giới trẻ hiểu (nhận thức được các giá trị văn hóa độc đáo của trang phục) và yêu thích (chuyển đổi nhận thức thị hiếu thẩm mỹ) trang phục dân tộc mình, hình thành thói quen trong hành vi “thực hành văn hóa” mặc.
 
Lửa thơm trong ngày hội của buôn làng.
Lửa thơm trong ngày hội của buôn làng.

Trang phục dân tộc chẳng những được con em đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên sử dụng trong lễ hội truyền thống để tôn tạo sắc màu lễ hội, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc mà còn sử dụng trong môi trường học đường: Các trường dân tộc nội trú, các trường phổ thông có học sinh dân tộc... nhằm giáo dục các em về ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc. Việc sử dụng sản phẩm thổ cẩm truyền thống dân tộc còn thể hiện niềm tự hào dân tộc của các em. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chăm lo hơn nữa đến trang phục truyền thống cho trẻ em để trẻ em ở các buôn làng mãi mãi xinh tươi, rực rỡ những những đóa hoa rừng.
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm