Tết đập trống của người Ma Coong

Tết đập trống của người Ma Coong
Chủ lễ hội đập trống đang thực hiện nghi thức cúng Giàng.
Chủ lễ hội đập trống đang thực hiện nghi thức cúng Giàng.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong có một mâm cỗ lớn để cúng Giàng. Trong mâm cúng có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác... Mỗi bản có một mâm cúng và tập trung về một địa điểm nhất định. Người nhà của các làng, trưởng bản, người có uy tín mới được làm mâm cúng. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm (là một khúc ngăn của những con suối chảy qua xã Thượng Trạch và núi rừng Trường Sơn).
 
Người Ma Coong chuẩn bị rượu cần cho ngày hội.
Người Ma Coong chuẩn bị rượu cần cho ngày hội.
Tại bản Cà Roòng 1, dân bản thường ngăn con suối Aky và quản lý nghiêm ngặt, nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng. Khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. Tiếp đến, vật dụng rất quan trọng ở lễ hội không thể thiếu đó là một chiếc trống bền, có âm vang tốt. Vật liệu để làm nên một chiếc trống gồm có gỗ, da động vật với độ dai và bền cao, cây mây già. Đùi đánh trống thường là những thân tre già ở rừng được nung lửa nhằm tăng thêm độ bền...

Kể về nguồn gốc của lễ hội, các vị cao niên người Ma Coong đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau có người cho rằng, xưa kia, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng xuất hiện một con khỉ. Hàng đêm, khỉ thường vào rẫy ăn hết ngô lúa của bà con trong dân bản. Từ khi con khỉ xuất hiện, người Ma Coong liên tục bị mất mùa. Nạn đói, bệnh dịch xảy ra lan rộng ra khắp nơi. Không thể để tình trạng đó kéo dài thêm nữa, dân bản họp nhau lại, quyết tâm lập mưu đánh đuổi con khỉ quái ác.
Và một hôm khỉ tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người Ma Coong, người Arem anh em làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa. Và thế là lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ đó...

Theo tục lệ của người Ma Coong, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm, bà con ở các bản tiến về vùng trung tâm xã Thượng Trạch để dâng lễ cúng Giàng. Sau lễ tế, vị chủ lễ chính tức khai cuộc đánh trống, và hội đập trống được bắt đầu. Ai cũng háo hức đánh hết sức vào trống để cho tiếng trống vang to, vang xa.

Cả núi rừng Trường Sơn lay động. Cùng với việc đánh trống là thưởng thức các món ăn bản địa, nhâm nhi ngụm rượu cần thơm nồng rồi thực hiện các điệu nhảy sôi động bên ánh lửa bập bùng... Trong điệu nhảy và trong tiếng trống vang lên, mọi người đều đồng thanh: "Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi!" (Vui lắm Trời ơi! Sướng lắm Trời ơi!).
 
Nam, nữ người Ma Coong ra sức đập trống.
Nam, nữ người Ma Coong ra sức đập trống.

Cứ như thế, mọi người vui vẻ cho đến khi trống bị đập vỡ toang. Khi trống vỡ thường đúng vào lúc ánh trăng đã lên cao quá đỉnh đầu. Không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng bắt đầu lắng dần, như tan vào tiếng suối, tiếng gió của núi rừng. Thấp thoáng đâu đó, từng đôi trai gái bẽn lẽn dắt tay nhau tiến về một góc riêng nào đó mà chỉ có riêng họ mới biết, mới hiểu... Để rồi đến tận sáng hôm sau, khi tiếng gà rừng gáy vang, mặt trời đỏ rực phía đằng đông, mọi người đều trở về với gia đình và bắt đầu một ngày lao động mới tràn đầy sinh lực...

Nhiều đời nay, lễ hội đập trống đã thấm vào máu thịt của người Ma Coong. Và ngày nay, ý nghĩa, sức hấp dẫn của lễ hội nói trên còn "thấm lan" sang một phần máu thịt của các dân tộc anh em khác, cứ sau mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lòng lại dặn lòng: "Chớ lỡ hẹn với mỗi dịp Tết đập trống của người Ma Coong nhé...!".
Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm