Nhà ở của người Mường Phú Thọ

Nhà ở của người Mường Phú Thọ
Ở một số xã của người Mường ( Phú Thọ), vẫn còn có những cụm nhà sàn truyền thống. Thậm chí còn những cụm nhà sàn núp vào chân núi trông thật đẹp.
Nhà sàn truyền thống của người Mường
Nhà sàn truyền thống của người Mường

Có hai yếu tố quan trọng của nhà sàn Mường truyền thống, đó là nơi thờ cúng và nơi đặt bếp. Nhà ở của người Mường có một cái cột gọi là “cột chồ” ở góc phía cầu thang nơi đầu thang liền với sàn. Cột này được coi là “cột thiêng”, không được buộc trâu, bò vào chân cột, bàn thờ gia tiên được làm ở cạnh cột này.

Nhà sàn có 4 gian thì có 5 cột. Gian đầu là gian có “cột chồ” được gọi là “gian gốc”, chỉ đàn ông trong nhà được nằm, đàn bà không được nằm vì có bàn thờ gia tiên. Trong các việc như lễ tang, hôn lễ, chỉ có người có vai vế trong họ được ăn ở gian này, trải chiếu sát với cửa sổ. Ở gian này có một cột cái đối diện với “cột chồ” ở chỗ để các ống nước chân cầu thang. Bên chân cột này là chỗ để chơi và vài cột lúa đã rũ hết thóc. Cột được đội một cái giỏ thủng mà xà nhà chen lên và treo một đoạn tre hay gỗ tước sơ ra ở đoạn đầu, đoạn tre này là biểu tượng dương tính gọi là “nõ” vag cái giỏ thủng là biểu tượng âm tính gọi là “nường”.

Gian thứ hai là nơi đàn ông và khách nam ngủ.

Gian thứ ba có bếp và buồng cho phụ nữ. trong nhà đưọc ngăn ra. Phía trên gác bếp đặt bàn thờ Táo quân. Gian thứ tư là nhà ở trong. Nơi đàn bà trong nhà ngủ có chạn bát, đồ dùng gia đình và là nơi sửa soạn cơm nước.   Kết cấu vì kèo của nhà Mường Phú Thọ có 2 cột cái, 2 cột con, 1 quá giang, 1 bộ kèo gồm 2 kèo. Nhà của người Mường Phú Thọ có hai cột cái ở trong và hai hàng cột con ở ngoài. Đầu hai cột cái đỡ lấy quá giang và bộ vì kèo úp lên quá giang theo hình tam giác cân, đỉnh ở trên, chân vì kèo đặt trên hai cột con gần nắp vì kèo, trên quá giang có một thanh gỗ hay tre giữ cho hai bên kèo được ổn định chắc chắn.

Người Mường chưa có kiểu lắp mộng như nhà ở người Kinh. Kết cấu khung nhà người Mường có phần khác với nhà của người Kinh. Trong nhà người Mường thang lên hai đầu có nghĩa là cửa vào ở gian đầu và gian cuối khác với nhà người Kinh cửa mở mặt tiền cho cả ba gian, trong đó có cửa chính ở gian giữa và hai bên đều có cửa vào. Nhà người Kinh mở cửa sổ ở hai vách sau của hai gian bên, còn gian giữa không mở cửa sổ vì bàn thờ kê áp vách.
 

Nhà Mường có hai hàng cột cái ở trong và hai hàng cột con ở ngoài, đầu hai cột đỡ lấy quá giang và bộ vì kèo úp lên quá giang theo hình tam giác cân ở đỉnh trên, chân vì kèo đặt lên hai cột con. Gần nắp vì kèo, phía trên quá giang có một thanh gỗ hay tre họi là “quét đồ” (câu đầu) giữ cho hai bên kèo được ổn định, chắc chắn. Đòn tay (tôn thảy) đặt dọc mái, đòn tay cái (tôn thảy cái) có miếng tre kẹp chặt đòn tay cái vào đầu cột cái gọi là cái khoá kèo (pà hoạc). Đè mè úp lên đòn tay để lợp mái trên kèo có đóng đinh tre (tằng kéo) để giữ lấy các đòn tay, các rui mè như xương sườn của các mái chạy từ nóc kèo đến chân kèo. Trước đây người Mường ở Phú Thọ dựng nhà chỉ có hai hàng cột, chưa biết kết cấu vì kèo, chưa biết làm ruổi, chỉ có cây ruông chạy dọc nhà, chéo mái buộc chứ không có mộng, không có con sò, chưa phân gian. Sau này, nhà có kết cấu vì kèo, đục lỗ cột để găm con sỏ vào nhau, có bốn hàng cột, thậm chí sáu hàng cột.

Ngày nay nhà Mường ở Phú Thọ có hai cách phát triển: Cách phát triển không cơ bản là làm thêm hành lang bao quanh nhà sàn chính để tăng thêm độ rộng, thoáng vì vậy tăng thêm vẻ đẹp bề thế. Cách phát triển thay đổi cấu trúc lớn là tách bếp ra trên một nhà sàn nối tiếp hay đạt hẳn bếp xuống một nhà đất nằm ở cuối sàn nhà. Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng - nhà nghiên cứu dân tộc học thì : “…Huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập và 3 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì là vùng hỗn hợp dân tộc, chủ yếu là giữa người Mường và người Việt. Đặc tính hỗn hợp dân cư và quá trình hòa hợp dân tộc được thể hiện khá rõ ở các loại hình nhà cửa trong vùng, ở đây nhà sàn được xem như là loại hình nhà đất là nhà điển hình của người Việt.” Song bên cạnh ngôi nhà sàn cổ truyền còn có nhiều dạng nhà khác nữa.

Theo baophutho.vn

Dân tộc Mường Dân tộc Mường

Tên tự gọi: Mol (hoặc Mon, Moan, Mual).

Nhóm địa phương: Ao Tá (Âu Tá), Mọi Bi.

Dân số: 1.268.963 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Cùng nguồn gốc với người Việt cư trú lâu đời ở vùng Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ...

Hoạt động sản xuất: Nông nghiệp ruộng nước chiếm vị trí hàng đầu, cây lúa là cây lương thực chính. Công cụ làm đất phổ biến là chiếc cày chìa vôi và chiếc bừa đơn, nhỏ có răng bằng gỗ hoặc tre. Lúa chín dùng hái gặt bó thành cum gùi về nhà phơi khô xếp để trên gác, khi cần dùng, lấy từng cum bỏ vào máng gỗ, dùng chân chà lấy hạt rồi đem giã. Trong canh tác ruộng nước, người Mường có nhiều kinh nghiệm làm thuỷ lợi nhỏ.

Ngoài ruộng nước, người Mường còn làm nương rẫy, chăn nuôi gia đình, săn bắn, đánh cá, hái lượm và sản xuất thủ công nghiệp (dệt vải, đan lát...).

Ăn: Họ thích ăn các món đồ như xôi đồ, cơm tẻ đồ, rau, cá đồ. Cơm, rau đồ chín được dỡ ra rá tãi đều cho khỏi nát trước khi ăn. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể.

Phụ nữ cũng như nam giới thích hút thuốc lào bằng loại ống điếu to. Ðặc biệt, phụ nữ còn có phong tục nhiều người cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc.


Mặc: Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét độc đáo. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.

Thầy mo khi hành lễ mặc y phục riêng. Ðó là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, nhuộm màu xanh hoặc đen, thắt dây lưng trắng, đội mũ vải nhọn đầu. Thầy mỡi khi cúng chữa bệnh thường đội mũ chầu.

: Người Mường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối... ở tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ. Mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, khuôn viên của mỗi gia đình thường nổi bật lên những hàng cau, cây mít. Ðại bộ phận ở nhà sàn, kiểu nhà bốn mái. Phần trên sàn người ở, dưới gầm đặt chuồng gia súc, gia cầm, để cối giã gạo, các công cụ sản xuất khác.

Làm nhà mới, khi dựng cột bếp, người Mường có tục làm lễ nhóm lửa. Gia chủ lấy bẹ chuối cắt hình 3 con cá to kẹp vào thanh nứa buộc lên cột bếp, ở cột cái của bếp còn đặt một quả bí xanh. Trước lúc đun nấu ở nhà mới, gia chủ làm lễ nhóm lửa xin thần bếp cho đặt 3 hòn đầu rau và hòn đá cái. Ðêm đó gia chủ mời mọi người uống rượu cần dưới ánh sáng của ngọn lửa không tắt.

Phương tiện vận chuyển: Phụ nữ phổ biến dùng loại gùi đan bằng giang hoặc tre, 4 góc nẹp thành thẳng đứng, có dây đeo qua trán hoặc qua vai để chuyên chở. Ðôi dậu, đòn gánh có mấu 2 đầu, đòn xóc cũng thường được sử dụng.

Nước sạch được chứa trong ống nứa to, dài hơn 1 mét vác vai từ bến nước về dựng bên vách để dùng dần.

Quan hệ xã hội: Quan hệ trong làng xóm với nhau chủ yếu là quan hệ láng giềng. Gia đình 2-3 thế hệ chiếm phổ biến. Con cái sinh ra lấy họ cha. Quyền con trai trưởng được coi trọng va con trai trong gia đình được thừa kế tài sản.

Cưới xin: Trai gái tự do yêu đương tìm hiểu, ưng ý nhau thì báo để gia đình chuẩn bị lễ cưới. Ðể dẫn đến đám cưới phải qua các bước: ướm hỏi (kháo thếng), lễ bỏ trầu (ti nòm bánh), lễ xin cưới (nòm khảu), lễ cưới lần thứ nhất (ti cháu), lễ đón dâu (ti du). Trong ngày cưới, ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai khoảng ba, bốn chục người gồm đủ nội, ngoại, bạn bè mang lễ vật sang nhà gái tổ chức cưới. Chú rể mặc quần áo đẹp chít khăn trắng, gùi một chón (gùi) cơm đồ chín (bằng khoảng 10 đấu gạo), trên miệng chón để 2 con gà sống thiến luộc chín. Trong lễ đón dâu, cô dâu đội nón, mặc váy áo đẹp ngoài cùng là chiếc áo dài màu đen thắt 2 vạt ở phía trước. Cô dâu mang về nhà chồng thường là 2 chăn, 2 cái đệm, 2 quả gối tựa để biếu bố mẹ chồng và hàng chục gối con để nhà trai biếu cô dì, chú bác.

Sinh đẻ: Khi người vợ sắp sinh con, người chồng phải chuẩn bị nhiều củi, làm một bếp riêng ở gian trong và quây phên nứa thành một buồng kín cho vợ đẻ. Khi vợ chuyển dạ đẻ, người chồng đi báo tin cho mẹ vợ và chị em họ hàng nội ngoại biết để đến nhà cùng nhau chờ đợi. Bà đỡ cắt rốn cho đứa trẻ bằng dao nứa lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu là con trai thì dùng dao nứa mái nhà trước, nếu là con gái thì dùng dao nứa mái nhà sau. Cuống rốn của các con trong gia đình được đựng chung trong một ống nứa, họ tin rằng làm như thế lớn lên anh em sẽ thương yêu nhau.

Ngày sinh con, gia đình tổ chức ăn mừng, mời thầy mo cùng trừ mọi điều xấu hại đến mẹ con. Ðẻ được 3-7 ngày thường có nhiều anh em, bà con đến thăm hỏi tặng quà. Bà ngoại mừng cháu bao giờ cũng có vài vuông vải tự dệt, gia đình khá giả mừng thêm chiếc vòng bạc đeo cổ, anh em thân thích thì mừng gạo, mừng tiền.

Người đẻ thường ăn cơm nếp cẩm với lá tắc chiềng (loại lá thuốc chống được bệnh sài), uống nước nấu với các loại lá cây thuốc và trong thời gian cữ (7 đến 10 ngày) nhất là 3 ngày đầu luôn luôn phải sưởi bên bếp lửa. Trẻ sơ sinh nếu là trai thì được âu yếm gọi là lọ mạ (thóc giống), nếu là gái thì lại trìu mến gọi là cách tắc (rau cỏ). Thường thì trẻ khoảng 1 tuổi mới được đặt tên gọi chính thức.

Ma chay: Người chết tắt thở, con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gia thờ, sau đó gia đình nổi chiêng phát tang. Thi hài người chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo theo phong tục rồi để vào trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải.

Tang lễ do thầy mo chủ trì, dẫn dắt. Bên cạnh hình thức chịu tang của con trai, con gái như vẫn bình thường thấy ở người Việt, riêng con dâu, cháu dâu chịu tang cha mẹ, ông bà còn có bộ tang phục riêng gọi là bộ quạt ma.

Lịch: Lịch cổ truyền người Mường gọi là sách đoi làm bằng 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng. Trên mỗi thẻ có khắc ký hiệu khác nhau để biết tính toán, xem ngày, giờ tốt xấu cho khởi sự công việc.

Người Mường ở Mường Bi có cách tính lịch khác với người Mường ở các nơi khác gọi là cách tính ngày lùi, tháng tới. Tháng giêng lịch Mường Bi ứng với tháng 10 của lịch Mường các nơi khác và tháng 10 âm lịch.

Văn nghệ: Hát Xéc bùa (có nơi gọi Xắc bùa hay Khoá rác) được nhiều người ưa thích. Thường (có nơi gọi Ràng thường hoặc Xường) là loại dân ca ca ngợi lao động, và các nét đẹp phong tục dân tộc. Bọ mẹng là hình thức hát giao du tâm sự tình yêu. Ví đúm cũng là loại dân ca phổ biến.

Bên cạnh đó, người Mường còn có các thể loại hát khác như hát ru, hát đồng dao... Ðặc biệt, ở người Mường phải kể đến lễ ca. Ðó là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc và hát trong đám tang.

Ngoài sáo, nhị, trống, kèn... thì cồng chiêng là nhạc cụ đặc sắc.

Chơi: Trò chơi của người Mường gần gũi với mọi đối tượng. Có những trò chơi được tổ chức chu đáo, công phu như: thi bắn nỏ, đánh đu, ném còn... Các trò chơi của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được tổ chức linh hoạt ở mọi nơi, mọi lúc với những điều kiện chơi đàn giản, tiện lợi như trò đánh cá cắt, trò cò le, trò đánh chó hoặc buôn chó, trò đánh mảng, trò chăm chỉ, chằm chăn.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm