Người Rơ Măm giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Rơ Măm giữ gìn bản sắc văn hóa
Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của dân tộc, nên các gia đình trong làng đều một lòng gìn giữ; đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để tạo “đất” cho cồng chiêng tiếp tục sống...
“Cả làng còn giữ được gần 100 bộ chiêng, dù cuộc sống còn khó khăn, rất nhiều người cũng đã lân la đến hỏi mua, nhưng dân làng không ai bán những bộ chiêng quý cả. Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của dân tộc, nên các gia đình trong làng đều một lòng gìn giữ; đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để tạo “đất” cho cồng chiêng tiếp tục sống” – Trưởng thôn A Giói ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) khẳng định quyết tâm bảo tồn những giá trị văn hoá của người Rơ Măm.

Cồng chiêng – tài sản quý của mỗi gia đình

Làng Le là địa bàn cư trú của 120 hộ dân với khoảng 460 nhân khẩu người Rơ Măm, đây là 1 trong 2 dân tộc ít người nhất của tỉnh, nhưng ở đây người dân lại lưu giữ, bảo tồn được số lượng cồng chiêng lớn. Cùng với đó là không gian văn hoá cồng chiêng cũng được dân trong làng giữ gìn và phát triển.
 
Già A Ren rất tự hào về hai bộ chiêng quý của gia đình
Già A Ren rất tự hào về hai bộ chiêng quý của gia đình

Theo đánh giá của Phòng Văn hoá - Thể thao huyện Sa Thầy (Kon Tum), xã Mô Rai là địa phương có số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong huyện với 189 bộ chiêng, riêng làng Le đã có gần 100 bộ, trong đó có 80 bộ chiêng Hoăn và 20 bộ chiêng Lào. Có nhà còn giữ được tới  2- 3 bộ chiêng như nhà ông A Glá, A Giói, A Ren…

Có một thời gian, nhiều địa phương đã bị dòng chảy của đời sống văn hóa hiện đại tràn đến, người dân bị cuốn theo, ngày càng thờ ơ với giá trị văn hóa truyền thống và vì thế tình trạng “chảy máu” cồng chiêng diễn ra tràn lan, âm thanh của cồng chiêng vắng dần trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các DTTS. Không ít gia đình, thôn làng đã bán đi những bộ chiêng quý; một bộ phận giới trẻ không còn quan tâm tới văn hoá cồng chiêng và những nét phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Thế nhưng, ở làng Le, “cơn bão” ấy dường như không hề ảnh hưởng tới, bởi người dân ở đây rất coi trọng giá trị của cồng chiêng và những lễ hội, sinh hoạt văn hoá gắn liền với cồng chiêng. “Dù đời sống kinh tế của người dân làng Le chưa thể nói là đã khá giả, nếu đem bán hay đổi những bộ chiêng cổ đi có thể giúp nhiều gia đình bớt khó; thế nhưng, vì yêu quý tài sản mà cha ông đã để lại, vì sợ văn hoá cồng chiêng bị mai một nên mọi người, mọi nhà bảo nhau giữ gìn” – Trưởng thôn A Giói tự hào khoe.

Nghe lời giới thiệu của ông A Giói, chúng tôi tìm đến nhà già A Ren. Già cho biết, nhà ông hiện còn 2 bộ chiêng cổ, mỗi bộ có 11 chiếc, với ông những bộ chiêng này là tài sản vô giá, dù người ta trả bao nhiêu cũng không đổi.

Già A Ren nói rằng: Có người đòi đổi bằng trâu nhưng mình từ chối. Trâu bò quý thật, nhưng cồng chiêng là tài sản ông cha truyền lại nhiều đời, mình có trách nhiệm giữ gìn để còn truyền lại cho con cháu. Ngày trước, cùng với lúa, trâu, cồng chiêng cũng là loại tài sản mà các gia đình thể hiện sự giàu có, nhà nào nhiều chiêng nghĩa là nhà đó khấm khá. Nếu không có cồng chiêng, những lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng cũng sẽ không còn ý nghĩa, đời sống tinh thần, tâm linh cũng sẽ bị mai một mất thôi.

Cùng với việc gìn giữ cồng chiêng, người dân làng Le còn biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Rơ Măm. “Nếu có dịp đến làng Le vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ hè, mọi người sẽ dễ dàng thấy cảnh lũ trẻ say sưa học đánh cồng chiêng; người già thì nhiệt tình truyền dạy. Lớp trước dạy lớp sau, cứ thế, bao đời nay, người dân làng Le đã giữ gìn khá tốt văn hoá cồng chiêng” – Trưởng thôn A Giói cho biết thêm.

Bảo tồn những nét văn hoá đẹp

Người Rơ Măm trước đây vốn có rất nhiều tục lệ; nhưng ngày nay, đời sống văn hoá ngày càng phát triển, người Rơ Măm cũng đã từng bước từ bỏ những hủ tục và chỉ lưu giữ những tục lệ, nét văn hoá đẹp, độc đáo của dân tộc.

Theo già làng A Breng, người Rơ Măm luôn chú tâm lưu giữ những lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có 3 lễ hội quan trọng nhất liên quan vòng đời của cây lúa rẫy là: chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng lúa mới. Theo quan niệm của người Rơ Măm, lúa rẫy là món quà của trời ban, chỉ cần chọc lỗ bỏ hạt xuống mà không cần bón phân, nhọc công chăm sóc, vậy mà lúa vẫn tốt, vẫn mang về những mùa bội thu nuôi sống người dân, thế nên từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch họ đều làm lễ tạ ơn Yang Plút (tức thần Ngà voi), theo dân làng thì đây vị thần đã mang may mắn đến cho làng.
 
Nhà Rông thờ thần Yang Plút và là nơi tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới.
Nhà Rông thờ thần Yang Plút và là nơi tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới.
Lễ hội chọc tỉa được diễn ra khi các gia đình chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà mà có thể làm lễ to hay nhỏ, nhà khá giả thì đập một trâu hay một con heo, nhà khó khăn thì giết một con gà, cốt yếu là ở tấm lòng cúng thần, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để cây lúa phát triển tốt, cho nhiều hạt.

Đến khi lúa chuẩn bị trổ bông, các gia đình cũng làm một cái lễ đơn giản để cúng Yang Plút, cảm ơn thần đã phù hộ để cây lúa lên xanh tốt và cầu mong thần tiếp tục phù hộ để một vụ mùa bội thu.

Lễ ăn lúa mới là lễ to nhất, quan trọng nhất trong các lễ hội của người Rơ Măm, nó được diễn ra khi mùa lúa rẫy đã kế thúc, lúa đã được phơi khô và cất vào kho, đây cũng được coi là tết của người Rơ Măm.

Cùng với lễ hội, tục lệ ma chay cũng được người Rơ Măm lưu giữ cho đến ngày nay. Theo lời kể của già làng A Breng, khi trong nhà có người chết, các gia đình sẽ đánh chiêng để thông báo với dân làng đến chia buồn, giúp đỡ. Nghĩa địa của người Rơ Măm luôn nằm về phía tây của làng, bởi theo quan niệm nếu đặt về phía Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo vào làng, như vậy sẽ không mang điều tốt đến cho làng. Các ngôi mộ của người Rơ Măm cũng được sắp xếp có trật tự khi chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Tuy nhiên, tục lệ ma chay ngày nay của người Rơ Măm cũng đã có những thay đổi tích cực, đó là các gia đình không còn chôn chung người chết như trước…
 
Theo baokontum.com.vn
Dân tộc Rơ Măm Dân tộc Rơ Măm

Dân số: 436 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố ngôn ngữ của dân tộc Khơ Me và gần gũi với tiếng nói của một số nhóm trong dân tộc Xơ Ðăng. Người Rơ Măm hiện sử dụng thành thạo tiếng nói của nhiều dân tộc, trong đó có tiếng phổ thông.

Lịch sử: Những người già làng cho biết họ là cư dân đã sinh sống ở khu vực này từ xa xưa. Ðầu thế kỷ XX dân số của tộc này còn khá đông, phân bố trong 12 làng, ở lẫn với người Gia Lai. Hiện họ chỉ sống tập trung trong một làng.

Hoạt động sản xuất: Người Rơ Măm sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nếp là chính, thêm một ít lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng hai gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Ðôi bàn tay vẫn là công cụ chính để tuốt lúa. Săn bắt và hái lượm còn giữ vai trò kinh tế quan trọng. Việc bắt cá dưới suối khá hiệu quả với đôi tay, rổ, đó và lá độc. Trong số những nghề phụ gia đình, nghề trồng bông, dệt vải được chú ý phát triển nhất. Vải họ dệt ra trước kia đủ cung cấp cho nhu cầu mặc của gia đình ngoài ra còn là hàng hoá trao đổi lấy dầu đốt, muối ăn và các công cụ lao động bằng sắt mà họ không làm ra được.

Ăn: Tập quán ăn bốc còn tồn tại khá phổ biến vào thời điểm hiện nay. Người dân thích cơm nếp đốt trong ống tre, nứa ăn với canh và muối ớt. Họ lấy nước từ các mạch ngầm, đựng trong những chiếc vỏ bầu khô để uống, không cần đun sôi. Những ngày lễ tết, hội hè cư dân uống rượu cần chế từ các loại gạo, sắn, bắp...

Mặc: Trong xã hội truyền thống, đàn ông Rơ Măm mặc khố, phía sau buông đến ống chân. Phụ nữ quấn váy và ở trần, một số mặc áo cộc tay. Váy và khố đều có màu trắng của vải mộc, không nhuộm. Phụ nữ ưa đeo hoa tai làm bằng ngà voi, nứa hoặc gỗ. Nam nữ thanh niên đều cắt 4 hoặc 6 chiếc răng cửa của hàm trên, khi bước vào tuổi trưởng thành.

: Làng truyền thống của người Rơ Măm được dựng theo một trật tự cố định. Nhà ở là loại nhà sàn dài, cất kế tiếp, xung quanh ngôi nhà chung. Cửa chính của mọi ngôi nhà đều quay nhìn vào nhà rông và nhà ở của các gia đình là khu sân chơi. Quanh làng có hàng rào bảo vệ. Mỗi nóc nhà thường có nhiều bếp. Mỗi cặp vợ chồng ở trong một buồng có vách ngăn, với một bếp riêng. Gian chính giữa nhà là nơi tiếp khách... Tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hiện nay mỗi gia đình sống trong một ngôi nhà cao to, rộng, thoáng, vách gỗ, mái ngói, do Nhà nước xây dựng.

Phương tiện vận chuyển: Gùi là phương tiện vận chuyển chính của người Rơ Măm, sử dụng sức mạnh của đôi vai và lưng. Gùi được đan cải hoa văn bằng nan nhuộm đen. Có loại gùi dành riêng cho việc vận chuyển công cụ săn bắt, đi rừng, làm rẫy của đàn ông. Có loại gùi lại chỉ sử dụng để vận chuyển váy, áo, đồ trang sức phụ nữ đem theo khi đi dự lễ tết, hội hè...

Quan hệ xã hội: Ðứng đầu làng là một già làng, người cao tuổi nhất trong làng, do dân tín nhiệm bầu ra. Làng truyền thống là một công xã láng giềng. Mọi thành viên quan hệ với nhau dựa trên cơ sở bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Họ không chỉ quan hệ với nhau trong khuôn khổ làng mà còn quan hệ với làng khác, dân tộc khác qua việc trao đổi hàng hoá và trao đổi hôn nhân. Quan hệ xã hội ở đây còn lưu giữ khá đậm các tàn dư của thời kỳ mẫu hệ vào giai đoạn đang chuyển nhanh sang chế độ phụ quyền.

Cưới xin: Việc cưới xin của người Rơ Măm thường phải qua hai bước chính ăn hỏi và đám cưới. Lễ cưới được tổ chức đơn giản, chỉ là bữa ăn uống cộng cảm của dân làng để chứng kiến và chúc mừng bữa ăn chung đầu tiên của cô dâu, chú rể. Tính chất hôn nhân của họ đang ở giai đoạn tiến lên chế độ phụ hệ. Sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ sống bên nhà vợ 4-5 năm rồi về ở bên nhà chồng hoặc cư trú luân phiên cả hai bên. Việc ly dị rất ít xảy ra.

Sinh đẻ: Trước kia phụ nữ Rơ Măm sinh đẻ trong ngôi nhà nhỏ ở ngoài rừng. Ðứa trẻ ra đời được cắt rốn bằng nứa hoặc một loại lá cây sắc. Mỗi làng có một hay hai bà đỡ là những người phụ nữ đã tuổi, nhiều kinh nghiệm trong việc sinh nở. Phụ nữ phải kiêng một số thức ăn có nhiều mỡ, từ khi có thai cho đến lúc đứa trẻ tròn 3 năm tuổi. Gần đây, họ sinh con tại nhà. Ngày đó người lạ không được vào, nếu ai vi phạm sẽ bị giữ lại trong nhà đến hết thời gian kiêng cữ và đứa trẻ sẽ được đặt tên trùng với tên người khách lạ.

Ma chay: Người Rơ Măm thường dùng trống để báo tin trong nhà có người chết. Xác chết được đặt ở mặt trước ngôi nhà, đầu hướng vào trong, mặt nhìn nghiêng. Việc chôn cất sẽ được tiến hành vào một hai hôm sau. Các ngôi mộ xếp theo hàng lối sao cho mặt người chết không nhìn hướng vào làng. Một số ít ngôi mộ chôn chung, từ 2 đến 3 người, thường là những người thân trong gia đình. Trong lễ bỏ mả có hai người đeo mặt nạ (một nam, một nữ) đánh trống nhảy múa. Mặt nạ nam có hai sừng trên đầu, mặt nạ nữ có hai chiếc răng nanh. Kết thúc lễ bỏ mả, hai chiếc mặt nạ được treo lại trên nhà mồ...

Thờ cúng: Người Rơ Măm quan niệm "vạn vật hữu linh", cả linh hồn con người sau khi chết cũng là lực lượng siêu nhiên đầy quyền lực và bí ẩn. Ðó là những đối tượng mà họ thờ cúng để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một trong những lực lượng siêu nhiên được người dân thờ cúng nhiều nhất là thần lúa. Họ cúng thần lúa vào ngày bắt đầu trỉa giống, khi lúa lên đòng, trước ngày tuốt lúa... để cầu mong một mùa rẫy bội thu.

Lễ tết: Trong tất cả những nghi lễ được tiến hành theo chu kỳ sản xuất hay chu kỳ đời người đều có hiến tế các con vật như: gà, lợn hoặc trâu. Ngày lễ lớn nhất thường được tổ chức sau khi thu hoạch mùa rẫy. Các gia đình trong làng làm lễ mừng kế tiếp nhau, có thể mỗi ngày một gia đình hay 4-5 ngày một chủ hộ giết lợn, gà, thậm chí tổ chức đâm trâu mời bà con trong làng tới dự. Sau lễ mừng lúa mới là thời điểm diễn ra hàng loạt đám cưới của nam nữ thanh niên và lễ bỏ mả cho người đã chết.

Văn nghệ: Những làn điệu dân ca, những bài hát giao duyên của nam nữ thanh niên, những câu chuyện kể của người già với bộ nhạc cụ gồm chiêng, trống và các loại đàn, sáo... được làm ra từ nguồn tre, nứa trong rừng là yếu tố chính tạo dựng nên nền văn nghệ dân gian của cư dân nơi đây.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm