Nghệ thuật múa xòe trong văn hóa Thái (Bài 2)

Nghệ thuật múa xòe trong văn hóa Thái (Bài 2)
Bài 2: Sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Thái Tây Bắc

Xòe Thái là một loại hình sinh hoạt văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các cộng đồng người Thái ở khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam. Từ bao đời nay, xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, sinh hoạt văn nghệ của người dân. Thực hành xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc tộc người Thái và là cơ sở để sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới.

Đặc sắc các điệu xòe Thái

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xòe Thái được các cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau: xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố...  Chủ nhân của nghệ thuật xòe là cộng đồng người Thái trắng và Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam, cư trú tập trung tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và khu vực miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Từ năm 1945 trở về trước, người Thái trắng gọi các hình thức múa hát của mình là xe (tiếng Thái nghĩa là múa), người Thái đen gọi là mố. Tuy nhiên, hiện nay, rất ít người gọi theo cách phát âm cổ này, mà thường gọi là xòe Thái theo cách gọi thường dùng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các điệu xòe được hình thành từ múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… của đồng bào Thái Tây Bắc. Nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Lò Văn Biến cho biết, theo thống kê, đến nay, người Thái có trên 36 điệu xòe, nhưng tựu chung bắt nguồn từ 6 điệu xòe có trước (còn gọi là xòe cổ). Những điệu xòe này không chỉ đơn thuần để biểu diễn, còn mang quan niệm về cách sống, cách nghĩ, nếp sinh hoạt của cộng đồng người Thái bao đời nay. Đó là điệu xòe vòng (xé voóng) - biểu hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng khi các thành viên nắm tay nhau múa trên một vòng tròn quanh đống lửa. Điệu khắm khăn mới lảu (nâng khăn mới rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách mỗi khi có khách đến nhà chơi. Điệu phá xí (xòe bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết, keo sơn, mỗi người dù đi xa bốn phương trời, vẫn tìm đến nhau, giúp đỡ nhau. Điệu xòe đổn hôn (tiến lùi) ẩn chứa quan niệm sâu xa, đó là sự tiến lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn. Điệu xòe nhuôm khăn (tung khăn) ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân. Điệu xòe ỏm lọp tốp mư (vòng tròn vỗ tay) thể hiện khát vong chung tay xây dựng bản mường ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù…

Theo các nghệ nhân, xòe Thái có 6 điệu cổ: “Khắm khăn mơi lẩu”; “Phá xí”; “Nhôm khăn”; Đổn hôn”; Khắm khen”; Ỏm lọm tốp mư”. Đây là các điệu xòe khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Trong đó điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái. Ảnh: dangcongsan.vn
Theo các nghệ nhân, xòe Thái có 6 điệu cổ: “Khắm khăn mơi lẩu”; “Phá xí”; “Nhôm khăn”; Đổn hôn”; Khắm khen”; Ỏm lọm tốp mư”. Đây là các điệu xòe khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Trong đó điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái. Ảnh: dangcongsan.vn

Một số nhà nghiên cứu phân loại múa xòe theo ba hình thức chính là xòe tín ngưỡng, xòe giải trí và xòe biểu diễn. Cũng có người chia xòe thành xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Trong đó, xòe nghi lễ thường diễn ra trong các lễ hội bản, mường (xên bản, xên mường…) gắn với những nghi thức cúng lễ do các thầy cúng (thày Tào, thày Mo, thày Phựt, thầy Then) thực hiện, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời, đất, các vị thần linh - những người đã tạo ra bản, mường, phù hộ cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không có bệnh dịch, mọi sự may mắn, an lành...

Xòe giải trí diễn ra trong các sinh hoạt vui chơi, thư giãn của cộng đồng, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Phổ biến nhất là các điệu xòe vòng với sự tham gia của số lượng người không giới hạn. Những cuộc xòe như vậy thường được tổ chức trong phần kết thúc các cuộc vui, sự kiện, lễ hội hay các hình thức sinh hoạt thường nhật như ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin...

Xòe biểu diễn về cơ bản cũng là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, nhưng có tính “chuyên môn hóa”, tính trình diễn sân khấu nhiều hơn xòe giải trí. Xòe biểu diễn do một nhóm nhỏ biểu diễn, kết hợp với các đạo cụ và tên điệu múa xòe cũng được gọi theo tên đạo cụ đó như: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe chai... 

Sợi dây kết nối cộng đồng

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa xòe vừa thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, vừa thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc. Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.

Nói về giá trị của nghệ thuật xòe Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến cho rằng, trong quá trình sinh cơ lập nghiệp, các tộc người Thái luôn phải chống lại kẻ thù 2 chân và 4 chân. Xòe phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông đoàn kết chống kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai, mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở. Qua những điệu xòe, người ta thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thủa sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng người Thái, có giá trị giáo dục đạo đức cho mỗi con người, góp phần khẳng định bản chất kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo, cần cù, hướng các thế hệ người Thái tới lý tưởng cao thượng, tới lối sống lành mạnh, tình cảm cao đẹp…

Điệu “Khắm khen” biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua. Ảnh: Ảnh: dangcongsan.vn
Điệu “Khắm khen” biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua. Ảnh: Ảnh: dangcongsan.vn

Ngoài các điệu xòe trong nghi lễ tín ngưỡng, các điệu xòe giải trí hay biểu diễn đều có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Sau những ngày lao động vất vả, múa xòe giúp con người thư giãn, vui vẻ, phục hồi sức khỏe, có thêm năng lượng để tiếp tục lao động, làm việc hiệu quả hơn. Các điệu xe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho cộng đồng người Thái, từ trang phục dân tộc đến các điệu múa, âm nhạc, lời hát, nhạc cụ và không gian văn hóa đi kèm...  Không những thế, nghệ thuật xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu, gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tinh hạnh phúc. 

“Những điệu xòe giống như một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Qua những điệu xòe, con người trở nên gần gũi, chan hòa với nhau hơn, đoàn kết, gắn bó hơn. Bên cạnh đó, nghệ thuật xòe Thái giúp chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” - Nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ. (Còn tiếp)
Phương Lan

Có thể bạn quan tâm