Nét đẹp trong trang phục truyền thống phụ nữ Mông Đen ở Cao Bằng

Nét đẹp trong trang phục truyền thống phụ nữ Mông Đen ở Cao Bằng
Một bộ trang phục truyền thống của người Mông Đen gồm: Khăn đội đầu, áo váy và xà cạp. Áo 3 thân, hai nẹp áo vòng lên cổ áo được trang trí hoa văn rộng chừng 3 - 4 cm, có thể là đăng ten màu hoặc vải hoa. Chỗ khâu nối giữa thân trước và thân sau để xẻ tà khoảng một gang từ gấu áo lên và cổ tay áo cũng thêu hoa văn đẹp mắt. Khi mặc trang phục gấu áo không giấu vào trong váy mà mặc xòe ra ngoài, áo không có cúc mà vắt chéo lên nhau, sau đó dùng dải thắt lưng có thêu hoa văn thắt ngang để giữ áo khỏi xòe ra. Là áo xẻ ngực nên phụ nữ Mông Đen thường mặc yếm. Cổ yếm thêu hoa văn, hai bên cổ yếm đính mỗi bên 1 - 2 đồng bạc trắng. Khi mặc, hoa văn giữa áo và yếm tạo được sự hài hòa giữa áo trong và áo ngoài.
 
Trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Mông Đen tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An (Cao Bằng).
Trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Mông Đen tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An (Cao Bằng).

Váy thường là váy đen như của người Mông Trắng, nhưng chỉ ngắn đến đầu gối. Xà cạp thường là miếng vải đen dài chừng một sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc màu đỏ thêu hoa văn. Màu đen của trang phục kết hợp với những hoa văn sặc sỡ trên nẹp áo, cổ áo… tạo điểm nhấn nên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Mông Đen khiến cho trang phục dù chủ yếu là màu đen nhưng lại sinh động và ấn tượng, tạo cho người mặc vẻ đẹp khỏe khoắn. 
 
Bà Vy Thị Lu, xóm Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An (Cao Bằng) cho biết: Một bộ trang phục truyền thống của dân tộc rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian: Hằng năm, mỗi gia đình đều trồng cây lanh. Khi cây lanh to bằng đầu đũa thì cắt về để khô, sau đó tước thành sợi nhỏ chừng 2 mm buộc từng con nhỏ bằng ngón tay. Khi tước xong, mang vào cối giã để sợi mềm dễ se sợi, rồi đấu nối các sợi vỏ lanh với nhau. Sau đó, người phụ nữ Mông mới cho vào guồng se thành sợi tròn như sợi chỉ, mỗi lần có thể se từ 4 - 5 sợi cùng một lúc. Khi se sợi xong cho vào chảo nấu với nước tro rồi ủ trong tro bếp, sau đó mang ra suối vò đi vò lại để sợi trắng ra như sợi chỉ bông. Tiếp theo, cho vào khung dệt vải thành những vuông vải trắng rồi lại nhuộm chàm đen. Do làm hoàn toàn bằng thủ công nên một năm chỉ khâu được 1 - 2 bộ váy áo mới. Nhưng mỗi bộ váy rất bền, có bộ có thể dùng cả đời không rách.
 
Trước đây, thiếu nữ dân tộc Mông Đen được các bà, các mẹ dạy cho từng đường tơ, sợi chỉ, may vá, thêu thùa. Khi đến tuổi trưởng thành biết làm duyên cũng là lúc đã thành thục tự làm trang phục truyền thống cho gia đình và bản thân trước khi về nhà chồng. Nhưng hiện nay trang phục truyền thống người Mông Đen đang đứng trước nguy cơ mai một, thường dùng vải chàm của người Nùng An và không thêu thùa nhiều nên chủ yếu dùng máy khâu. Còn trang phục nam của người Mông Đen gần như đã bị mai một.          
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm