Nét đẹp trong lễ cưới dân tộc Cor

Nét đẹp trong lễ cưới dân tộc Cor
Tuy dân số không đông, địa bàn cư trú không rộng nhưng đồng bào Cor vẫn còn bảo lưu nhiều vốn văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc tộc người, nhất là lễ hội dân gian, trong đó lễ cưới hội tụ nhiều thuần phong mỹ tục, nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc.
 Nghi lễ quan trọng

Dân tộc Cor cư trú chủ yếu ở hai huyện Trà Bồng, Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi - đây là chiếc nôi, quê hương ruột thịt của họ. Ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ di cư từ Trà Bồng sang sinh sống ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Người Cor mang nhiều tên gọi phiếm xưng khác nhau như: Cùa, Khùa, Của, “Mọi Thanh Bồng”, “Mọi Trà Bồng”, “Mọi Trầu”, “Ta - Kua” hay “Mọi Quế”.
 

Lễ cưới là một trong những lễ quan trọng của đồng bào Cor, thu hút cả cộng đồng làng nóc. Lễ cưới thường diễn ra trong nhiều ngày, trải qua ba giai đoạn: lễ đi hỏi, lễ đạp nhà và lễ cưới. Ngày xưa, lễ cưới sẽ diễn ra trong bốn hoặc sáu ngày, cứ lần lượt ngày thứ nhất nhà trai đến nhà gái, ngày thứ hai đoàn đi cưới đến nhà trai, ngày thứ ba quay lại nhà gái… đến kết thúc. Nghi thức cưới diễn ra ở hai bên gia đình gần tương tự như nhau. Lễ cưới là việc của cá nhân, gia đình, nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Lễ cưới dân tộc Cor là một trong những lễ thức phô bày nhiều nét đẹp văn hóa như nghi lễ, tập tục, diễn xướng, trò chơi dân gian, ẩm thực và trang phục cổ truyền.
Đấu chiêng đôi trong lễ cưới
Đấu chiêng đôi trong lễ cưới

Điều đầu tiên là hai bên gia đình phải mua sắm bộ trang phục và những món trang sức mới cho cô dâu chú rể. Dân tộc Cor không có nghề dệt thổ cẩm, họ phải mua vải vóc, trang phục của dân tộc cận cư như Việt, Ca Dong và cải tiến, sáng tạo thêm để trở thành trang phục truyền thống riêng của dân tộc mình. Trong lễ cưới, cô dâu đội chiếc nón bằng nan rất đẹp do chú rể đan tặng, cùng với nhiều món trang sức giá trị như tay đeo vòng ống bằng đồng, vòng cổ bằng bạc, chuỗi hạt cườm đeo cổ và trên hông. Ngoài đồ trang sức, cô dâu vai đeo chiếc gài dẹt một ngăn (kxui năh), tay cầm chiếc rựa và chiếc khăn gói các miếng trầu cau. Chú rể mặc khố và choàng khăn, cổ tay đeo nhiều khoen đồng thau, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn (kxui pót) đựng ít gạo, chai rượu trắng... Trên vai chú rể còn vác thanh kiếm phép có vỏ bao bằng gỗ, bên ngoài được trang trí bằng tua len nhiều màu. Thanh kiếm vừa là vũ khí để phòng thủ ở dọc đường vừa là vật trang sức, biểu hiện sự mạnh mẽ của người con trai trưởng thành. Chú rể còn khoác trên thân mình tấm choàng màu xanh hoặc màu chàm, có điểm xuyết vài đường nét hoa văn sọc dọc màu đỏ, đầu chít cái mũ lễ (ch’rấc) có hai mấu chìa ra tựa như cánh chuồn, tai đeo mấu bằng gỗ...Với lối phục sức này, chú rể hiện rõ lên diện mạo đầy nam tính.
 
Chú rể làm nghi lễ cầu phúc trong ngày cưới
Chú rể làm nghi lễ cầu phúc trong ngày cưới

Nghệ thuật đặc sắc

Ngày cưới của hai họ là ngày vui hội của làng nóc. Đêm đến, tại nhà trai hay nhà gái, mọi người tập trung để chia vui cùng gia đình và tham gia múa hát, tấu chiêng, diễn trò chơi. Tiết mục được đợi chờ nhất trong lễ cưới là đấu chiêng với 3 người tham gia: một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau; người thứ ba đánh trống, đóng vai trò như trọng tài giữ nhịp, kích thích cho hai bên thi đấu.
Các thiếu nữ bên thúng nếp thơm chuẩn chị cho lễ cưới
Các thiếu nữ bên thúng nếp thơm chuẩn chị cho lễ cưới

Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi vì lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Người diễn xướng vừa biết chơi nhạc cụ giỏi vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ thượng đài. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ cuồng nhiệt. Khi tiết mục đấu chiêng đôi kết thúc, nhịp trống điệu chiêng trở lại khoan thai, nhẹ nhàng, lúc đó phụ nữ và các cô gái trẻ bước vào điệu múa ca đáu. Động tác múa lả lơi, nghiêng ngả, diễn tả niềm hân hoan, nét đẹp lãng mạn, trữ tình của điệu dân vũ. Bộ trang sức hạt cườm ngũ sắc và tua màu điểm tô thêm cho vẻ đẹp trang phục, hình thể của các vũ nữ. Hạt cườm (nhút) được đồng bào mua về và cần mẫn xâu thành dây, thành chuỗi để quấn nhiều vòng quanh trán, quanh cổ, quanh cổ tay, cổ chân, quanh thắt lưng và quanh hông.
 
Trang phục cô dâu chú rể dân tộc Cor
Trang phục cô dâu chú rể dân tộc Cor

Kết thúc lễ cưới, đôi vợ chồng mới cùng nhau đi bắt cá phép dưới suối, hoặc đi phát rẫy, đi về xuôi mua sắm, trao đổi hàng hóa, vật dụng để lấy may. Kể từ lúc đó, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu chung sống với nhau. Lễ cưới của người Cor là một lễ tục đẹp, giàu tính nhân văn, thể hiện sự tôn vinh cái đẹp và tình yêu đôi lứa. Những tinh hoa văn hóa dân gian đặc sắc như trang phục của cô dâu chú rể và người dự hội, nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực, nghệ thuật trang trí trên cây nêu đón mừng lễ cưới...,tất cả cùng hoà quyện, là món quà của gia đình và cộng đồng tặng cho đôi bạn trẻ để bước vào cuộc sống mới, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Theo langvietonline.vn
Dân tộc Co Dân tộc Co

Tên tự gọi: Cor, Col.

Tên gọi khác: Cua, Trầu.

Dân số: 33.817 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi các dân tộc khác trong vùng bắc Tây Nguyên và lân cận như: Hrê, Xơ Ðăng, Ba Na... Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975 trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh. Hiện nay chữ viết này không không phổ biến nữa.

Lịch sử: Người Co cư trú rất lâu đời ở tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam.

Hoạt động sản xuất: Kinh tế rẫy là nguồn sống chủ yếu, lúa rẫy là nguồn lương thực chính. Canh tác theo hình thức phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống, tuốt lúa bằng tay. Kỹ thuật xen canh - đa canh trên từng đám rẫy và luân canh giữa các đám rẫy. Trầu không và quế của người Co nổi tiếng lâu đời. Ðặc biệt quế quý và nhiều là một nguồn lợi lớn: quế rừng và quế trồng. Rẫy quế của mỗi gia đình là loại tài sản quan trọng, thường 10 năm trở lên mới được thu hoạch. Nhờ bán quế, các gia đình có tiền mua sắm các gia sản được ưa chuộng (cồng, chiêng, ché, trâu, v.v... và nay thì xe, đài, đồng hồ, xây nhà, đóng đồ gỗ), đồng thời cũng chi dùng vào việc ăn uống, mặc, v.v... Hình thức dùng vật đổi vật được ưa thích.

Chăn nuôi: Trâu, lợn, gà trước hết để cúng tế; chó hầu như nhà nhà đều có. Nghề dệt và rèn không phát triển. Ðồ đan đẹp và phong phú. Sản phẩm hái lượm và săn bắt có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống người Co.

Ăn: Bữa ăn thông thường là cơm gạo tẻ, muối ớt, các loại rau rừng và thịt cá kiếm được. Trước kia, đồng bào quen ăn bốc. Ðồ uống là nước lã, rượu cần, nay nhiều người đã dùng nước chín, nước chè xanh, rượu cất. Tục ăn trầu cau chỉ được duy trì ở lớp người lớn tuổi, nhưng tục hút thuốc lá vẫn còn phổ biến.

: Người Co sống tập trung ở Trà Bồng và Trà Mi thuộc tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam. Nhà sàn dài, cửa ra vào ở hai đầu hồi. Trong nhà chia dọc thành 3 phần: lối đi ở giữa, một bên được ngăn thành từng buồng nhỏ cho các gia đình sinh hoạt riêng, còn một bên dùng làm nơi sinh hoạt chung (tiếp khách, họp bàn, tổ chức lễ hội, ăn uống đông người, đan lát, vui chơi...). Xưa kia thường mỗi làng ở tập trung trong một vài ngôi nhà kiểu này, dài có khi hàng trăm mét, bên ngoài có rào chắn và bố trí vũ khí để phòng vệ. Gần đây, khắp vùng người Co phát triển trào lưu từng gia đình tách ra làm nhà ở riêng, nhà trệt, dựng theo kiểu nhà người Việt ở địa phương, đã có nhiều nhà lợp tôn, lợp ngói, cả nhà xây nữa.

Mặc: Ðồ mặc của người Co chủ yếu mua của người Xơ Ðăng và người Việt. Theo nếp truyền thống, nam đóng khố, ở trần, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay; mùa lạnh thì khoác tấm vải choàng. Bộ quần áo dài với khăn xếp du nhập từ đồng bằng lên từng được dùng trưng diện trong ngày lễ hội, nhất là những bô lão khá giả. Ngày nay, quần áo người Việt được dùng lan tràn, váy còn thấy một số phụ nữ mặc nhưng đều dùng vải công nghiệp. Các loại vòng trang sức cũng chỉ bắt gặp thưa thớt, đơn giản, không dễ tìm được những phụ nữ quấn nhiều chuỗi hạt cườm quanh đầu, quanh cổ tay, cổ chân, trước ngực và quanh thắt lưng như trước kia nữa.

Phương tiện vận chuyển: Người Co có các loại gùi tự đan dùng để vận chuyển rất tiện lợi, thích hợp với điều kiện đất dốc, rừng núi và suối. Mọi thứ đều bỏ trong gùi và gùi được cõng trên lưng, có 2 quai quàng qua đôi vai.

Quan hệ xã hội: Mỗi làng có ông "già làng" được mọi người kính trọng và nghe theo. Dân làng sinh sống trên một địa vực ổn định có ranh giới, việc chuyển dịch cư trú của làng cũng chỉ trong vùng lãnh thổ ấy. Trong làng thường có quan hệ thân thuộc qua lại với nhau: hoặc về huyết thống, hoặc do hôn nhân. Tuy mỗi gia đình làm ăn riêng, chiếm hữu riêng đất rẫy, nhưng tính cộng đồng làng khá cao. Xã hội truyền thống Co đã nảy sinh giàu - nghèo khác nhau, nhưng chưa phát triển các hình thức bóc lột: nô lệ gia đình, cho vay nặng lãi...

Cưới xin: Hình thức hôn nhân cư trú đằng chồng là phổ biến. Phong tục cho phép nếu vợ chết có thể lấy tiếp em hoặc chị của vợ, nhưng vợ goá không thể lấy em chồng; nếu 2 anh em trai lấy 2 chị em gái thì phải anh lấy chị, em lấy em; nếu con gái nhà này đã làm dâu nhà kia thì 2 - 3 đời sau nhà kia mới gả con gái cho nhà này. Con cô - con cậu, con gì - con già, con có chung cha mẹ đều không được lấy nhau. Cùng một gốc sinh thành, nếu là anh em trai thì đời chắt của họ hoặc sau đó nữa mới có thể lấy nhau, song nếu là chị em gái hay một gái một bên trai thì cháu hoặc chắt của họ có thể lấy nhau. Ðám cưới đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém nhiều, chỉ là dịp mọi người uống rượu vui chứng kiến đôi trai gái thành vợ, thành chồng.

Ma chay: Quan tài gỗ, đẽo theo kiểu độc mộc. Người chết được chôn trong bãi mộ của làng, đặt không xa chỗ ở. Tang gia "chia của" cho người mới chết, đưa ra mộ không chỉ vật dụng và tư trang của người ấy, mà cả ché, chiêng...

Thờ cúng: Những đỉnh núi cao được người Co gọi là núi Ông núi Bà. Họ cho rằng có "thần linh" trú ngụ ở đó. Hệ thống "ma" (ka muych) và "thần" (kơi, ma) rất đông: ma người chết bình thường, ma người chết bất bình thường, ma quế, ma cây đa, ma nước, thần bếp lửa... Bởi vậy, người ra có nhiều kiêng cữ và cúng quải gắn với sản xuất và đời sống.

Lễ tết: Người Co có nhiều lễ, lớn nhất là lễ có đâm trâu tế thần - đây cũng là ngày hội lớn trong làng. Ngoài ra, tết gắn với sự kết thúc một mùa lúa rẫy là dịp sinh hoạt nhộn nhịp. Trong hai dịp đó, các món ăn dân tộc, nghệ thuật dân tộc và trang phục dân tộc được thể hiện tập trung, khơi dậy văn hoá truyền thống.

Lịch: Cách tính ngày tháng tương đương với âm lịch của người Việt, nhưng chỉ có 10 tháng, tiếp đến là thời gian nghỉ ngơi sau vụ canh tác. Bên cạnh đó, người Co coi trọng việc xác định ngày tốt, xấu để thực hiện các công việc khác nhau.

Văn nghệ: Ưa thích âm nhạc, dùng bộ chiêng 3 chiếc là phổ biến: nhạc cụ còn có trống, các loại đàn nhị. Múa chỉ xuất hiện trong lễ đâm trâu. Các điệu dân ca Xru (Klu), Agiới được lưu truyền rộng rãi. Vốn truyện cổ khá phong phú, có huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn... Nghệ thuật trang trí tập trung nhất ở cây cột lễ và cái "gu" trong lễ hội đâm trâu.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm