Một số nét về đời sống văn hóa của người Nùng ở Cao Bằng

Một số nét về đời sống văn hóa của người Nùng ở Cao Bằng
Cao Bằng, người Nùng có 10 ngành: Nùng Giang, Nùng An, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Sí Kít, Nùng Khen Lài, Nùng Quí Rịn, Nùng Xìn (Nùng Xuồng), Nùng Cháo. Các nhóm ngành Nùng có nhiều nét tương đồng về nhiều mặt trong cuộc sống sinh hoạt và tập quán. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện khác nhau của mỗi miền quê, cùng quá trình lịch sử dài lâu nên các ngành Nùng đã hình thành những nét riêng về văn hóa, làm cho dòng tộc Nùng thêm đa dạng, phong phú bản sắc dân tộc. Đã từ lâu, người Nùng sống hòa thuận gắn bó với các dân tộc, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
 
Phụ nữ dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) khâu mũ vải. Ảnh: Thủy Tiên
Phụ nữ dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) khâu mũ vải.
Ảnh: Thủy Tiên

Dân tộc Nùng cư trú hầu khắp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tập trung đông ở 4 huyện: Phục Hòa, Quảng Uyên, Hạ Lang, Trà Lĩnh (trên 40% dân số huyện), riêng huyện Phục Hòa, người Nùng chiếm tới 65%. Các nhóm Nùng phát triển ngày càng đông đúc và phồn thịnh. Địa bàn cư trú của người Nùng tập trung ở vùng đồi núi thấp, ven chân núi, thung lũng, vùng địa hình gần sông, suối, thuận lợi cho canh tác nông, lâm nghiệp, quần cư thành từng làng bản, trung bình khoảng 10 đến 15 nóc nhà, có làng bản trên 30 nhà. Nhìn chung, người Nùng sống xen kẽ với dân tộc Tày. Cùng chung ngữ hệ Tày - Thái nên về văn hóa, phong tục tập quán giữa hai dân tộc Tày, Nùng có sự giao thoa, chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

Về sản xuất nông nghiệp, do địa thế và khí hậu, người Nùng thường sản xuất một vụ lúa mùa, còn lại trồng các cây hoa màu. Người Nùng rất khéo tính toán bố trí cây trồng, vật nuôi, xen canh, gối vụ quanh năm đạt hiệu quả cao. Canh tác trên vùng đất đồi thấp, đất rẫy là đặc trưng cơ bản, nổi bật của dân tộc Nùng. Tại đây, người Nùng trồng lúa nương và ngô, đỗ tương cùng các loại cây hoa màu. Người Nùng coi trọng chính sách khuyến nông, kế thừa kinh nghiệm truyền thống với việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là các loại giống cây, con có năng suất cao. Về chăn nuôi, cũng như người Tày, người Nùng chăn thả gia súc, gia cầm...

Sống ở vùng rừng núi, người Nùng luôn đề cao vai trò, vị trí của rừng trong sản xuất, đời sống, có ý thức bảo vệ và tích cực trồng rừng, tận dụng từng hốc đá trồng cây, gieo giống. Xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) của người Nùng An là điểm điển hình như thế. Hai bên quốc lộ là rừng núi đá vôi xanh, đến nay 100% diện tích núi đá được phủ xanh.

Người Nùng rất coi trọng bảo tồn những nghề truyền thống như: Dệt, rèn, đúc nông cụ, đan lát, mộc, làm hương, ngói... Phụ nữ Nùng quanh năm lo trồng bông, kéo sợi dệt vải, trồng cây chàm tinh chế thành phẩm nhuộm, tạo nên thứ vải chàm bền, đẹp. Từ bao đời nay, biết trồng bông làm vải là thước đo, tiêu chuẩn của người phụ nữ Nùng. Còn đàn ông thì phải biết làm nghề rèn, đan lát, mộc... Những công cụ cầm tay (dao, búa, cuốc, cày) của người Nùng tạo ra sắc, bền, đẹp, tiện dụng, có chất lượng cao đã trở thành hàng hóa, nổi tiếng trong nước. Nhiều năm trở lại đây, đời sống của người Nùng có nhiều chuyển biến, tiến bộ trên lộ trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hóa, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Nùng rất phong phú đa dạng. Người Nùng có nhiều truyện kể dân gian, truyện thơ và tích lũy được kho tri thức về tự nhiên, địa lý, lịch sử hay kinh nghiệm chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian... Những truyện dân gian và dân ca Nùng được ghi chép lại, như: Lưu Đài - Hán Xuân, Tần Chu - Quyền Vương, Lưu San - Lưu Vương, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Quảng Tân - Ngọc Lương, Mộc Quế Anh, Thanh Minh miếu cổ (miếu Thanh Minh ở Phúc Sen, Quảng Uyên), Sli slíp sloong bươn (Sli 12 tháng), Sli mẩng pi mấư (Sli mừng năm mới), Sli chúc mẩng (Sli chúc tụng, mừng các tiết trong năm), Sli lẩu (Sli đám cưới), Hát chúc phù khươi, phù noọng (Hát chúc phù rể, phù dâu).... Nghệ thuật hát tuồng Dá Hai là đặc trưng của dân tộc Nùng, giàu âm hưởng trữ tình, cùng với đó người Nùng có các điệu múa rồng, múa lân có tiếng trong dịp Tết, lễ hội.

Với dân số đông, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng gắn bó cùng các dân tộc trong tỉnh, dân tộc Nùng đã góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa các dân tộc của quê hương Cao Bằng.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm